02/11/2016 09:11
Phiên chợ hàng Việt về huyện Đăk Glei là hoạt động nằm trong chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2016 với mục tiêu đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được mua sắm các mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả phải chăng; đồng thời, đưa hàng Việt thâm nhập sâu hơn thị trường nông thôn.
Phiên chợ thu hút trên 50 doanh nghiệp với khoảng 100 gian hàng, đây là quy mô tương đối lớn so một phiên chợ hàng Việt thông thường. Tất cả hàng hoá trong phiên chợ đều đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc, giá cả phù hợp và thiết thực với nhu cầu của người dân như: may mặc, đồ dùng gia đình, hoá mỹ phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ...
Đặc biệt, phiên chợ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và cả một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các đơn vị này đã mang đến phiên chợ những mặt hàng đặc trưng, tiêu biểu của từng địa phương như: sâm dây Ngọc Linh, rượu sim Thiên Sơn, cà phê Sáu Nhung, cà phê Nguyên Huy Hùng...
Khác với những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn theo kiểu bán hàng lưu động, thường chỉ diễn ra trong một vài buổi với vài doanh nghiệp tham gia bán lẻ nên người dân chưa có nhiều cơ hội mua sắm; lần này phiên chợ kéo dài tới 1 tuần lễ đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nhiều lựa chọn.
Đặc biệt, người dân ở các xã xa trung tâm huyện như: Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Nhoong, Đăk Blô... có thời gian rộng dài để tham quan, tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng cần thiết.
|
Quan sát những người đến mua sắm tôi nhận thấy, từng đối tượng có những nhu cầu riêng và hàng hoá tại phiên chợ đều đã thoả mãn thị hiếu của từng khách hàng. Nếu như nhiều người già tìm đến gian hàng bán các sản phẩm dược liệu, thì đa phần phụ nữ lại tìm mua các mặt hàng thiết yếu cho gia đình; thanh niên tìm đến những gian hàng may mặc, giày dép; phần đông đàn ông ghé những gian hàng đồ gỗ hay cà phê...
Bên cạnh đó, những chương trình ưu đãi, khuyến mãi của các doanh nghiệp đã góp phần chia sẻ lợi ích với người dân, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Hầu hết, ai đến với phiên chợ đều tỏ ra hài lòng.
Chị Y Thoăn (làng Piêng Siêng Piêng, xã Đăk Pét) chia sẻ: Mấy hôm trước, mình cũng có nghe thôn trưởng thông báo sắp có phiên chợ hàng Việt về huyện, cả nhà mình đều háo hức chờ đợi đến ngày khai mạc để ra xem và mua hàng. Mình mua ít đồ dùng nhà bếp, mua mấy bộ quần áo mùa đông cho bọn trẻ, mua ít dầu ăn, nước mắm để dùng dần.
“Hàng hoá trong phiên chợ nói chung là đẹp, phù hợp với túi tiền của người dân mình nên mình mong một năm có vài phiên chợ như thế này để dân mình có cơ hội mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó cũng biết cách phân biệt hàng Việt với hàng hoá trôi nổi.” - chị Y Thoăn bày tỏ.
Không chỉ người dân phấn khởi tham gia phiên chợ, các doanh nghiệp cũng vui vẻ khi nhận lại được nhiều lợi ích. Ngoài việc bán và quảng bá hàng hoá trực tiếp tới tay người tiêu dùng, với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã giúp doanh nghiệp giảm bớt các chi phí, đồng thời có thêm cơ hội tìm hiểu kỹ hơn thị trường nông thôn.
Ông Nguyễn Tri Sáu - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung cho biết: Tham gia phiên chợ hàng Việt, tôi thấy mình được lợi nhiều thứ, được hỗ trợ chi phí vận chuyển, thuê gian hàng, có cơ hội quảng bá, chào bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng; đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của thị trường từng nơi để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Lần này, tôi thật sự bất ngờ trước sức mua của người dân Đăk Glei.
Thế nhưng, để tổ chức được một phiên chợ hàng Việt bài bản về một huyện miền núi xa xôi như Đăk Glei đòi hỏi khá nhiều công phu.
Kết thúc phiên chợ, anh Võ Văn Mười – Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại & Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh mới thở phào nhẹ nhõm: Nói thật, ban đầu các doanh nghiệp cũng rất ngại ngùng khi phải đưa hàng hoá đi xa; trong khi địa bàn Đăk Glei dân số ít, người dân sống rải rác nên khó đoán định được sức mua; Trung tâm phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vận động, thuyết phục doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc mạnh mẽ, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình này. Cuối cùng những nỗ lực đó đã mang lại thành công ngoài mong đợi, những ngày diễn ra phiên chợ thực sự là những ngày hội mua sắm, giao lưu văn hoá của người dân trên địa bàn.
Có thể khẳng định, phiên chợ hàng Việt về huyện Đăk Glei đã phần nào làm thoả mãn cơn khát hàng Việt của người dân trên địa bàn, qua đó, đã khẳng định vị thế của hàng Việt trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua phiên chợ cũng đã củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường nông thôn, tạo động lực để doanh nghiệp chủ động đưa hàng hoá về vùng sâu, vùng xa, góp phần làm nên sự thành công của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Thiên Hương