08/03/2019 13:09
Sinh năm 1985 trong một gia đình có 8 người con, từ lúc nhỏ chị Y Teh đã chứng kiến biết bao phụ nữ trong hai thôn Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar phải khổ sở khi trải qua những lần “vượt cạn”, thậm chí, có nhiều trường hợp, cả sản phụ và đứa trẻ tử vong do gặp tai biến mà không được xử lý kịp thời.
Xuất phát từ sự thương cảm trước những mất mát đó, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chị Y Teh đăng ký xin đi học làm cô đỡ và được Nhà nước tạo điều kiện cho đi học chuyên môn trong thời gian 18 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể về khoảng thời gian bắt đầu công việc, chị Y Teh nhớ lại: Đặc thù địa phương chủ yếu là người DTTS, không những điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đường xá đi lại vất vả mà nhận thức của người dân lúc đó còn hạn chế. Bà con lúc đó còn sinh nhiều, sinh dày, nhiều người dân lại không dám cho chị đỡ đẻ vì quen tập quán cũ và chưa thể hiểu được công việc của mình. Có nhiều trường hợp, người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh vẫn đi làm rẫy, có những trường hợp đẻ “rơi”...
|
Bên cạnh đó, còn có một khó khăn nữa là do chị bị tật bẩm sinh ở bàn chân trái, đi lại rất khó khăn. Mỗi lần có những ca trở dạ vào ban đêm, chị phải vất vả lắm, thậm chí phải nhờ người nhà chở đến để khám, đỡ cho sản phụ.
Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm trong nghề, chị liền kể về 2 ca nhờ sự can thiệp kịp thời của chị, đã cứu được sinh mạng hai sản phụ ở cùng thôn.
Chị kể: Lúc gần 5h sáng ngày 29 Tết Nguyên đán 2018, chị Y Đăng trở dạ sinh đứa con đầu lòng. Dù được chị tư vấn từ trước, song khi gần sinh, gia đình chị Y Đăng vẫn không gọi cô đỡ mà chỉ gọi “bà mụ vườn” đến đỡ. Sau hồi lâu không sinh được, thai phụ đau dữ dội, khó thở, gia đình mới gọi mình đến hỗ trợ. Sau khi khám, chị phát hiện thai ngược, không thể đỡ thường nên gọi xe đến chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau gần một tiếng trong phòng mổ, sản phụ hạ sinh được một bé trai nặng 3,4kg.
Tiếp đó, vào ngày 6/3/2018, chị Y Ngoan cùng thôn, trở dạ sinh đứa con thứ hai. Sau khi sinh được 20 phút, sản phụ bị xuất huyết nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng. Chị Y Teh lúc đó đã gọi xe taxi chở cả hai mẹ con đến bệnh viện cấp cứu kịp thời…
Chia tay chị Y Teh ra về, tôi không khỏi xúc động và thầm thán phục những cống hiến thầm lặng của chị với cộng đồng. Chính những cống hiến âm thầm nhưng lớn lao ý nghĩa ấy, đang đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như một bông hoa đẹp, tỏa sáng giữa đời thường.
TRỌNG NGHĨA