Y Dưng - Gương sáng ở làng Lung

01/05/2021 13:03

Nhờ tính toán làm ăn, chi tiêu hợp lý mà chị Y Dưng (41 tuổi) ở làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, có thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Tâm sự với tôi, Y Dưng kể lại chuyện thoát nghèo của gia đình chị. Chị không thể nào quên được trận lũ năm 1996 cuốn đi 2 ha hoa màu ở ven lòng hồ Ya Ly; đồng thời nhà cửa chị cũng bị tốc mái, xiêu vẹo. Năm ấy, gia đình chị rơi vào cảnh cơ cực khi không còn gì trong tay, không biết sẽ làm lại cuộc sống như thế nào.

Không “buông tay” trước nghịch cảnh, trận lũ qua đi, để lại lượng phù sa màu mỡ, gia đình chị nỗ lực trồng lại mì, lúa trên đất lũ quét và khai hoang thêm 2,3 ha đất nữa để canh tác. Chỗ chui ra chui vào khi đó chỉ là căn nhà vách ván, mái che được tận dụng từ tấm bạt cũ, nhưng không che nổi những cơn mưa nặng hạt.

“Hồi đó, vợ chồng tôi chịu khó lắm, ngoài làm trên rẫy, ai kêu gì tôi làm nấy. Đến mùa măng, vợ chồng tôi dắt con theo lên rừng hái măng, muỗi đốt mấy đứa trẻ đầy người, nhìn mà xót. Nhờ cố gắng, đến bây giờ cuộc sống gia đình đã ổn định, con cái được ăn học đến nơi, đến chốn” - Chị Dưng thổ lộ.

Chị Y Dưng (trái) là tấm gương đi đầu về phát triển kinh tế gia đình ở làng Lung. Ảnh: V.T

 

Sau nhiều năm trồng mì, diện tích đất trở nên bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2008, xem trên truyền hình thấy nhiều địa phương trồng cao su cho thu nhập cao, chị bàn với chồng quyết định chuyển đổi 2,3ha đất trồng mì sang trồng cao su, còn đất ven lòng hồ vẫn để trồng mì. Thuở mới trồng, người già ở đây ai cũng lắc đầu bảo: “Cây này lâu cho thu hoạch, không hiệu quả bằng cây mì, còn tốn nhiều công chăm sóc”.

Bỏ qua những lời bàn tán, hai vợ chồng chị tập trung đầu tư trồng, chăm sóc cao su. Vườn cao su năm nào đến nay đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí, vườn cao su cho gia đình chị lãi ròng hơn 120 triệu đồng.

“Trồng cao su đơn giản lắm, chỉ cần trồng cây đảm bảo khoảng cách, đừng nên trồng dày và bón phân đầy đủ, đúng định kỳ là cây phát triển tốt. Chỉ hơn 6 năm là cây đã đủ điều kiện để khai khác, nhưng để khai thác đúng cách thì gia đình tôi phải tham gia các lớp tập huấn cạo mủ và học hỏi thêm kinh nghiệm của hàng xóm về kỹ thuật khai thác mủ để cây không bị sẹo” - chị Dưng chia sẻ.

Không chỉ học hỏi các kiến thức trồng cao su, chị Dưng còn là một trong những học viên năng nổ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cà phê. Nắm vững kỹ thuật, gia đình chị mạnh dạn mua thêm 2 ha đất đầu tư trồng cà phê vào năm 2016. Năm vừa rồi, vườn cà phê cho quả bói, nhưng trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình chị vẫn lãi được 20 triệu đồng từ cà phê.

Tiếp nối câu chuyện trồng cà phê, chị Dưng kéo tay tôi ra sau nhà khoe vườn bời lời đã đến tuổi thu hoạch. Hơn 2ha cây bời lời với đường kính trung bình 15cm, thương lái ngỏ ý muốn mua với giá 60 triệu đồng 1ha nhưng gia đình chị Dưng chưa đồng ý, vì cho rằng giá còn rẻ.

“Dự kiến khi nào được giá, gia đình sẽ bán cây bời lời để lấy tiền đầu tư trồng cây ăn trái như sầu riêng, mít, bơ và trồng theo phương thức hữu cơ. Hiện tại, gia đình tôi đã trồng xen canh được hơn 50 cây sầu riêng trong vườn và thấy cây phát triển rất tốt” - chị Dưng bộc bạch.

Nhờ biết tính toán làm ăn, cần cù, chịu khó, đến nay, gia đình chị Y Dưng có 2ha cà phê, 2,3ha cao su, 2ha bời lời và 2ha mì. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng. Từ khó khăn, nhờ chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình chị Y Dưng trở thành gia đình đi đầu về phát triển kinh tế ở làng Lung.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn tại làng Lung, chị Y Dưng luôn tận tụy, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý nguồn vốn; tận tình giúp đỡ, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả. Nhờ đó, chị giúp nhiều hội viên nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, dần vươn lên thoát nghèo.

Nhận xét về chị Y Dưng, chị Hà Thị Quang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Xiêr cho biết: Chị Y Dưng là một trong những hội viên năng nổ, chịu khó phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, chị luôn gần gũi, quan tâm hàng xóm. Bất kể việc gì bà con làng Lung cần giúp như thắc mắc về vay vốn, kỹ thuật trồng cao su, cà phê, chị Dưng đều sẵn lòng giúp đỡ. Vì thế, chị luôn được người dân cùng chính quyền nơi đây coi trọng và quý mến.

VĂN TÙNG

Chuyên mục khác