20/10/2017 07:03
Năm 2009, từ Thanh Hóa vào lập nghiệp trên mảnh đất Kon Tum, chị Lục Thị Bình xin vào làm công nhân tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk tại Kon Tum.
Những ngày đầu, lạ nước lạ cái, chị phải mất một thời gian mới bắt nhịp được với cuộc sống mới. Sau khi mọi việc đi vào ổn định, năm 2014, chị Bình mạnh dạn vay 52 triệu từ nguồn vốn do Hội LHPN xã tín chấp để phát triển kinh tế.
“Lúc đấy trong đầu tôi nghĩ nếu chỉ làm công nhân thì không biết đến bao giờ mới có của ăn, của để, vậy nên khi được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho vay vốn, tôi liền vay tiền để chăn nuôi, vừa để cải thiện đời sống vừa kiếm thêm thu nhập” – chị Bình chia sẻ.
|
Ngoài chăm sóc vườn cây trên lô cao su, chị Bình còn cố gắng nuôi thêm 3 con heo và khoảng 50 con gà, vịt. Công việc vất vả nhưng chị Bình không nản. Với quyết tâm cao, chỉ sau một thời gian, chị mở rộng chuồng trại, nuôi khoảng 20-25 con heo; gầy đàn, nuôi thêm khoảng 100 con gà, vịt.
“Lúc đấy vì làm nhiều nên sức khỏe tôi giảm sút hơn. Tôi xin nghỉ làm công nhân và chuyên tâm vào chăn nuôi” – chị Bình nói.
Trong quá trình chăn nuôi, chị Bình lại nghĩ phải trồng thêm cây, buôn bán thêm đời sống mới ổn định. Vậy là chị tìm hiểu và trồng thêm 1,5ha điều, mở thêm một cửa hàng tạp hóa vừa bán thực phẩm tươi sống, vừa bán nhu yếu phẩm.
Thêm việc lại thêm nhọc nhằn, mỗi sáng chị phải thức giấc thật sớm đi ra chợ Sê San (địa phận tỉnh Gia Lai) mua thức ăn về bán, rồi lại quần quật chăm lo cho đàn heo, đàn gà; heo gà xong lại phải chăm sóc vườn điều, trồng thêm vườn chuối…
“Quần quật cả ngày cũng mệt lắm nhưng làm nông phải cần cù, chịu khó thôi. Tôi luôn cố gắng làm mỗi ngày để gia đình êm ấm, các con có điều kiện đến lớp, đến trường” – chị Bình tâm sự.
Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, đất không phụ công người, không còn cảnh phải mượn từng lon gạo, xin từng chén mắm, đến nay, đời sống kinh tế nhà chị Bình đã ổn định hơn rất nhiều, dần dà có được của để dành. Thấy cuộc sống đã ấm êm, vừa rồi chị Bình liền xung phong làm đơn đăng ký tự nguyện thoát nghèo.
Chị Bình cười nói: Khi trong hộ nghèo, gia đình tôi đã được giúp đỡ rất nhiều, từ bàn đạp đó mới có thể vươn lên phát triển kinh tế. Nay đời sống gia đình tôi đã ổn định hơn, đó là động lực để gia đình tôi tiếp tục vươn lên. Đuổi giặc đói, đuổi giặc nghèo là trách nhiệm của mỗi người, mình phải luôn nỗ lực, phải phấn đấu, thi đua làm giàu chứ không cam chịu đói nghèo, không để cái nghèo đeo bám mãi.
Khi gia đình có chút của ăn, của để, thấu hiểu được nỗi vất vả của người nghèo nên điều đầu tiên chị Bình nghĩ đến là làm thế nào để giúp những người cùng cảnh như mình cùng vươn lên thoát nghèo.
Vậy là ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, chị Bình còn mạnh dạn tham gia vào tổ góp vốn xoay vòng của Chi hội phụ nữ thôn 8 để cùng giúp các chị em có vốn để sản xuất.
Chị bảo, một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, trước những khó khăn ở một mảnh đất còn khô cằn, trước những cảnh ngộ từ nơi xa xôi vào lập nghiệp, chị sẽ cùng với các chị em đoàn kết, giúp đỡ nhau từ những việc nhỏ nhặt nhất để cùng nhau thoát khỏi cảnh nghèo, làm giàu một cách chính đáng.
Bình An