Vươn lên từ gian khó

27/09/2018 07:05

Từ hai bàn tay trắng, qua một thời gian dài chịu khó làm ăn, kiên trì thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chi tiêu tiết kiệm, tích lũy vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhiều nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 2001, chàng trai dân tộc Thái (sinh năm 1977) Cầm Bá Thiện rời quê hương Thanh Hóa đất chật người đông vào vùng ngã ba biên giới huyện Ngọc Hồi để tìm kế mưu sinh. Do nhà nghèo nên khi đi, hành trang của Thiện chỉ vài ba bộ đồ cũ cùng vài trăm nghìn đồng để chi phí tiền tàu xe và ăn uống trong những ngày đầu sống trên vùng đất mới. Thời gian đầu mới vào, anh đi làm thuê cho người dân trong vùng, từ việc chăm sóc, thu hoạch cây cà phê, cao su, mì đến việc khuân vác hàng hóa. Ai thuê việc gì, dù khó khăn đến mấy, Thiện cũng làm nhiệt tình nên được nhiều người tin tưởng, thương yêu.

T
Thăm vườn cà phê của gia đình ông Cầm Bá Thiện xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi. Ảnh: C.C

 

3 năm sau đó (năm 2004), Thiện bén duyên với chị Khổng Thị Lý (quê Phú Thọ), cũng là một người xa quê đang sinh sống tại làng Jệk, xã Bờ Y. Lập gia đình rồi, Thiện mua miếng đất nhỏ cất căn nhà ở tạm, cùng vợ ra sức khai hoang đất đai, quyết chí làm ăn để thoát nghèo.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, lúc đầu vợ chồng anh trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, bắp, mì, đậu đỗ; chăn nuôi vài con heo, đàn gà vịt. Dần dần tích lũy được một ít vốn, anh mạnh dạn vay thêm Quỹ hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng để trồng cây cà phê, cao su. Qua mấy mùa thu hoạch, có chút vốn liếng, anh trả xong nợ cho Quỹ năm 2014. Đến năm 2016, anh mạnh dạn vay 300 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất.

Qua mấy năm làm thuê, anh đã học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê, cao su, nuôi cá. Anh còn tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ vậy, năng suất cây trồng, chăn nuôi của gia đình luôn đạt mức cao so với mức bình quân trong vùng.  Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình anh có 3 ha cà phê và 2 ha cao su (đã cho thu hoạch), 2 ha mì, 7.000m2 ao nuôi cá.

“Nhờ biết tính toán trong làm ăn và chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, nên kinh tế gia đình ngày càng khá hơn, năm sau thu nhập cao hơn năm trước. Năm 2017, tổng thu nhập gần 200 triệu đồng; năm 2018, dự kiến thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi khoảng từ 200-250 triệu đồng. Các con được cho đi học đàng hoàng, căn nhà cũ trước đây cũng đã được xây dựng mới khang trang hơn, các phương tiện sinh hoạt cần thiết trong gia đình được mua sắm đầy đủ.” - anh Thiện chia sẻ.

Giống như trường hợp anh Cầm Bá Thiện, năm 2004, chàng trai dân tộc Thái - Mai Xuân Tú (sinh năm 1978) rời quê hương Thanh Hóa vào thôn 8, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) lập nghiệp cũng từ hai bàn tay trắng. Tại đây, Tú quen biết và nên duyên chồng vợ với chị Y Hrê (sinh năm 1982), là người dân tộc Xơ Đăng ở địa phương.

Ao nuôi cá của ông Mai Xuân Tú ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Ảnh C.C

 

Khi 2 vợ chồng ra ở riêng, cha mẹ bên vợ đã cho anh chị hơn 1 ha đất để làm ăn sinh sống. Nhờ cần cù chịu khó, anh khai hoang thêm đất đồi để trồng mỳ, bắp; khai phá các khe suối để làm lúa ruộng.

Năm 2011, thấy người dân trong vùng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp dài ngày, gia đình anh Tú đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (vay 4 đợt với tổng số tiền 125 triệu đồng) để đầu tư trồng cây cà phê, nuôi bò và đào ao nuôi cá. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mỗi năm phát triển diện tích cây cà phê thêm một ít, mua thêm con bò sinh sản, cá giống để nuôi. Đến nay, gia đình anh có 4ha cà phê đã cho thu hoạch được 3 - 4 mùa, 3.000m2 lúa nước 2 vụ, 500m2 ao nuôi cá, chăn nuôi 4 con bò và hàng chục con gà vịt, tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, không chỉ thoát được nghèo mà gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, ngày một khấm khá. 

Cũng tại huyện Kon Rẫy, năm 2010, sau khi tích cóp được một số vốn nho nhỏ từ hồi còn đi làm ăn trong Lâm Đồng, ông Lê Xuân Phục (60 tuổi, quê Hà Tĩnh) quyết định vào thôn 10 (xã Đăk Ruồng) mua một mảnh đồi còn hoang hóa rộng 2,5ha để trồng các loại cây ăn trái. Qua 8 năm lập nghiệp trên vùng quê mới này, đến nay, gia đình ông đã trồng được 2.000 cây thanh long ruột đỏ; 200 cây ổi không hạt; 150 cây xoài Thái; 100 cây mận không hạt; 200 cây mít Thái; 300 cây cam, quít, bưởi; 250 cây gỗ sưa; 50 cây na; 50 cây chanh không hạt; 20 cây dưa sáp; nuôi 10 con heo rừng, 5 con bò và đàn gà vài chục con.

Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lê Xuân Phục xã Đăk Ruồng huyện Kon Rẫy. Ảnh: C.C

 

“Tôi đã đầu tư vào trang trại này trên 1,7 tỷ đồng và đang xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Hiện nay, mô hình kinh tế này cho thu nhập bình quân trên dưới khoảng 300 triệu đồng/năm phục thuộc vào giá cả từng năm. Nhìn chung, cuộc sống gia đình cũng tương đối ổn định!” – ông Phục bộc bạch.

Những tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi như ông Phục, anh Tú, anh Thiện đã không chỉ làm giàu cho mình mà còn hỗ trợ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

                                                                                          Cao Cường

Chuyên mục khác