Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei: Giáo viên tự nguyện đóng góp để nấu cơm trưa cho học sinh

04/04/2019 13:05

​Từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, các giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei đã góp gạo, thức ăn... rồi cùng nhau tự nấu cơm trưa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em nuôi “giấc mơ tìm kiếm con chữ”…

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) tìm hiểu về việc các giáo viên tự nguyện đóng góp nuôi học sinh ở ngôi trường này - một việc làm trân quý của các thầy cô giáo nơi đây.

Chúng tôi đến trường đúng lúc các thầy cô giáo đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà. Ở các phòng học, những tiếng ê a đọc bài vẫn văng vẳng vang lên.

Vừa chuẩn bị cơm trưa cho các em, thầy Trần Xuân Ninh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei vừa tâm sự: Toàn trường có 370 học sinh, nhưng trong đó có 59 học sinh là người dân tộc thiểu số Hà Lăng ở thôn Long Nang có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường. Mặc dù các thầy cô giáo thường xuyên đến tận nhà vận động, nhưng vì đường sá xa xôi nên học sinh vẫn thường nghỉ học vào buổi chiều.

Thầy cô giáo nấu ăn miễn phí cơm trưa cho các em. Ảnh: P.N

 

Theo thầy Trần Xuân Ninh, vì trường không thuộc diện bán trú nên không có chế độ nấu ăn cho các em. Trong khi đó, từ tháng 9/2018, học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 ở thôn Long Nang chuyển về điểm trường chính học, quãng đường từ nhà đến trường học xa hơn. Trong tuần, các em có ngày học 2 buổi, buổi trưa khi các em về nhà thì bố mẹ thường xuyên lên rẫy, không có người nấu ăn nên không ít em nghỉ học buổi chiều. Điều này đã khiến đội ngũ thầy cô giáo đau đầu trong việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp.

Vì vậy, để động viên, giúp đỡ các em học con chữ, không bỏ trường, bỏ lớp, tập thể giáo viên nhà trường bàn bạc và thống nhất áp dụng mô hình “bán trú tự túc”. Bếp ăn miễn phí này được duy trì từ tháng 9/2018 đến nay bằng chính công sức, sự tận tụy và trách nhiệm của thầy cô giáo ở Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei.

“Biết rằng việc tự nấu ăn sẽ khiến giáo viên vất vả, lại phải tự bỏ tiền túi của mình lo cho các em, nhưng vì không muốn các em nghỉ học, ảnh hưởng đến chất lượng học tập nên thầy cô giáo trong trường ủng hộ sáng kiến trên và xắn tay vào triển khai với quyết tâm cao. Chúng tôi trình bày ý định này cho phụ huynh và được nhiều người tán thành” - thầy Trần Xuân Ninh kể.

Để bếp ăn được đủ đầy, Ban Giám hiệu nhà trường kêu gọi giáo viên trong trường đóng góp từ tiền, gạo, thịt, trứng, mì tôm… và hàng ngày thay nhau nấu cơm trưa cho học trò. Sau này, nhà trường kêu gọi thêm phụ huynh cùng hỗ trợ và được các phụ huynh đồng tình. Thậm chí, nhiều người dù không có con em ở lại ăn cơm trưa cũng đóng góp tiền, gạo, rau để giúp nấu ăn cho các cháu.

Hôm chúng tôi đến đúng lúc gần trưa. Chúng tôi nhìn thấy, tại khu hành lang của trường, nơi đặt bàn ghế đá có rất nhiều rau và thịt được rửa sạch để chuẩn bị bữa cơm trưa cho các em. Cạnh đó, một số giáo viên và phụ huynh người thì kho thịt, người nấu canh… Khi thức ăn được nấu chín, họ lần lượt đưa vào phòng rồi chia thức ăn cho các em. Các em học sinh ngồi ăn ngon lành và nở nụ cười tươi vui.

“Để quản lý tiền và học sinh, nhà trường thành lập tổ tự quản. Tất cả tiền hoặc thịt, cá, trứng, mì tôm mà mọi người hỗ trợ đều lập danh sách và công khai nhằm đảm bảo minh bạch. Ngoài ra, một tổ tự quản phụ huynh được thành lập và họ sẽ phân công từng người lên trường để phụ giáo viên nấu ăn, trông coi các cháu buổi trưa cho đến khi các cháu vào học buổi chiều mới về” - thầy Trần Xuân Ninh cho biết thêm.

Trong số những người tham gia nấu ăn có chị Y Na Trang (thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei), mẹ của học sinh Y Cạn ( học sinh lớp 2 của trường).

Chị Y Na Trang cho biết, có nhiều ngày con chị phải đi học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhà xa trường, trong khi vợ chồng chị thường đi làm rẫy nên không có ai đưa đón. Khi nghe trường bảo sẽ nấu ăn trưa cho học sinh để học sinh ở lại trưa tại trường chiều học tiếp, chị rất mừng...

“Đồ ăn ở trường đầy đủ, con tôi ăn cứ khen ngon. Tôi muốn trường tiếp tục duy trì hoạt động nấu ăn buổi trưa này vì nó rất có ích” - chị Y Na Trang nói.

Trao đổi với phóng viên, ông A Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: “Các em học sinh nhà còn khó khăn, có ngày học 2 ca nhưng cha mẹ không có điều kiện đưa đón con. Việc Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei kêu gọi rồi tự nấu ăn cho các em là điều rất tốt và đáng tuyên dương”.

Cũng theo thầy Trần Xuân Ninh, từ lúc tổ chức nấu ăn trưa miễn phí, học sinh không còn nghỉ học nữa. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn ổn định và chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Đây chính là động lực cho giáo viên ở Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei tiếp tục triển khai nấu ăn trưa miễn phí cho các em học sinh.   

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác