03/12/2018 13:08
Cho mượn bò gây giống
Dẫn chúng tôi ra xem đàn bò 30 con béo tròn, anh A Dliêu niềm nở khoe: Nhờ chăn nuôi bò, gia đình mình mới có ngày hôm nay.
Trước đây, A Dliêu là hộ nghèo trong xã. Năm 2005, ngoài vài sào mì, 2 vợ chồng chỉ có 2 con bò. Quyết không để cái nghèo đeo bám, A Dliêu bàn với vợ: Ở đây nguồn cỏ tự nhiên dồi dào, vợ chồng mình cố gắng chăn nuôi, phát triển đàn bò.
Nói là làm, từ số tiền thu hoạch mì, vợ chồng anh đầu tư mua thêm bò. A Dliêu tìm tòi, học làm chuồng trại, làm cây rơm dự trữ thức ăn, làm hố ủ phân bò, tìm hiểu cách phòng trị bệnh cho đàn bò… Được chăm kỹ, đàn bò lớn nhanh, sinh sản đều và sau 3 năm, A Dliêu có 8 con bò.
Ngoài việc chăn nuôi, vợ chồng anh còn mạnh dạn mua bò của người dân và bán lại cho thương lái với nguyên tắc mua đúng giá cả thị trường. Nhờ chăn nuôi cộng với có duyên mua bán, A Dliêu có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm và thoát khỏi nghèo.
Đời sống kinh tế ổn định, nhận thấy nhiều hộ dân trong làng không có bò, vợ chồng A Dliêu liền chủ động đến hỏi, cho “mượn bò đổi bê”. “Mình muốn giúp bà con có bò giống để gầy đàn, phát triển kinh tế” – A Dliêu chia sẻ về việc làm của mình.
Vợ chồng anh cho mượn bò theo hình thức: bò đẻ ra con bê đầu tiên, anh sẽ nhận, và đến con bê thứ 2, hộ gia đình được mượn sẽ nhận. Đến nay, A Dliêu đã cho 10 hộ mượn bò gầy đàn.
|
Mượn bò của A Dliêu 6 năm nay, anh A Tạo ở thôn 10 chia sẻ: Nhờ con bò giống của A Dliêu, mình gây ra được 3 con bê, mừng lắm!
Còn ông A Nea ở thôn 6 cũng phấn khởi: Hồi xưa gia đình già khó khăn lắm, không có bò nuôi. Nhờ A Dliêu cho mượn bò giống, già gây được 1 con bê rồi. A Dliêu còn nhiệt tình bày mình cách chăn nuôi, cách ủ phân để bón cho cây cối nữa.
Ngoài việc chăn nuôi bò, giúp đỡ bà con, hiện nay A Dliêu cũng đầu tư trồng hơn 1ha cà phê. “Trong quá trình làm, ai hỏi kinh nghiệm, mình đều nhiệt tình chia sẻ. Bà con có đời sống kinh tế vững vàng là mình mừng lắm rồi” – A Dliêu bộc bạch.
Chia sẻ kinh nghiệm
Lu bu với công việc buôn bán, nhưng hễ ai gọi, ông Phạm Văn Dựa lại tất bật chạy vào tận vườn, hỗ trợ bà con cách bón phân, chăm sóc, thu hái cà phê.
Nói về việc làm của mình, ông bảo: Phải ra tận rẫy mới hướng dẫn kỹ càng để giúp bà con chăm sóc tốt, từ đó tăng năng suất, thu nhập.
Ở Hải Dương vào Đăk Psi làm kinh tế mới từ năm 2001, vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, ông Dựa vươn lên làm giàu từ 9ha cà phê. Trong quá trình làm, tìm được nguồn phân bón, thuốc trừ sâu uy tín, năm 2013, ông chuyển sang kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với phương châm bán đúng giá, chất lượng và hỗ trợ bà con khi cần.
Ngoài việc tư vấn nhiệt tình mùa nào bón phân gì, liều lượng ra sao, sử dụng thuốc gì trừ rệp, thuốc gì tốt để diệt cỏ… ông còn ra tận vườn hướng dẫn cho bà con cách tỉa cành, cách trộn phân, tưới nước… chăm sóc cây cà phê. Từ vườn này đến vườn khác, cứ ai gọi, ông lại có mặt.
Bà Nguyễn Thị Hà, ở tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà có hơn 2ha cà phê tại xã Đăk Psi. Nhiều năm nay, ngoài việc mua phân, thuốc trừ sâu, bà còn được ông Dựa hỗ trợ rất nhiều về kinh nghiệm trồng, chăm sóc.
“Trong quá trình làm, nếu cây bị sâu bệnh hay gặp khó khăn, ông Dựa đều chia sẻ kinh nghiệm, tìm cách giúp đỡ. Nhờ vậy, năm nào vườn cà phê nhà tôi cũng đạt năng suất, nhất là năm nay, thu được 31 tấn tươi”- bà Hà chia sẻ.
Không chỉ bán phân, thuốc chất lượng, nhiều hộ dân chưa có tiền, ông không ngần ngại bán nợ. Thậm chí, nhiều hộ mua nợ phân, thuốc cả năm, vào mùa tìm đến trả bằng… cà phê ông vẫn chấp nhận. Không vì người dân khó khăn mà ép giá, ông Dựa cân mua theo đúng giá thị trường. Nhờ vậy, không chỉ là “chuyên gia kỹ thuật” của bà con, ông còn được nhiều người tin tưởng.
Nhận xét về anh A Dliêu và ông Dựa, bà Y Dim – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Psi khen ngợi: Không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình, anh A Dliêu và Phạm Văn Dựa còn nhiệt tình giúp bà con làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây là những điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng để nhiều người học theo...
Bình An