29/01/2018 07:13
Cán bộ Đoàn đặc biệt
Hôm chúng tôi liên hệ tìm gặp thượng úy A Hòa, Bí thư Đoàn xã Đăk Nhoong – A Tải gióng tay chỉ thẳng lên ngọn đồi cao sừng sững, phía trước lô nhô những dãy nhà. Tải chú thích bằng lời đó là thôn Đăk Ga – nơi gần hai năm qua (kể từ ngày nhận chức Phó Bí thư Đoàn xã), Thượng úy Hoà đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào”.
Cuốc bộ thêm chừng 5 cây số tiến sâu vào khu rừng toàn bời lời, không khó để nhận ra A Hòa (mặc quân phục) giữa những người nông dân đang cặm cụi làm cỏ. Và ngay tại vị trí này, chỉ mới 2 năm trở về trước, người dân còn “chê” đất cằn cỗi rồi bỏ hoang.
Mãi đến khi A Hoà xắn tay áo cùng bà con đổ mồ hôi công sức thì đồi trọc mới được phủ xanh. Nhắc tới đây, thượng úy Hoà kể: “Bản thân là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, đồng thời là Phó bí thư Đoàn xã nên việc hỗ trợ kiến thức giúp bà con thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này, trước tiên mình phải học nói được tiếng dân và bỏ công hướng dẫn bà con làm theo. Nhận thấy đất bỏ hoang lâu ngày rất lãng phí, đầu năm 2016, mình đã vận động bà con trong thôn lên phát quang bụi rậm, sau đó trồng cây bời lời”.
Hơn một năm cất công vun trồng, khu rừng toàn bời lời với thân cây đã to bằng cổ tay đang lớn nhanh từng ngày trên vùng đất thấm đẫm mồ hôi của người dân, đặc biệt là dấu ấn đậm nét của A Hoà.
|
Từ vài ba hộ trong thôn theo chân A Hòa mở lối xung phong thoát nghèo, đến nay, toàn thôn đã đồng loạt chuyển hướng trồng bời lời. Họ tận dụng tối đa quỹ đất sẵn có để trồng loại cây lâu năm này. Thậm chí, một số thôn lân cận như: Đăk Ung, Roóc Nầm…, thời gian gần đây đã bắt đầu đẩy mạnh trồng loại cây đang dần dà trở thành chủ đạo trong phát triển kinh tế của xã.
“Mặc dù đây là cây trồng không mới ở Kon Tum nhưng trong những năm qua đã cho thấy lợi ích thiết thực. Dự kiến, khoảng 5 năm chăm sóc, cây sẽ cho thu hoạch bằng cách bóc vỏ bán cho các thương lái”, A Hòa chia sẻ.
Thay “áo mới” cho xã vùng biên
Liền kề khu vực chuyên canh bời lời là diện tích trồng loại cây còn khá mới mẻ ở xã vùng biên này. Đó là 6.000 m2 toàn sâm dây của 3 hộ gia đình ông: A Mo, A Phăng và A Sanh. Và không ai khác, chính “kỹ sư nông nghiệp” Hoà (biệt danh bà con gán cho thượng úy A Hoà) đã đưa giống cây này về trồng thử nghiệm. Thêm một lần nữa, chàng Phó bí thư Đoàn xã “máu” làm nông đã chọn Đăk Ga làm thôn thí điểm.
Đó là một ngày cuối năm 2015, trùng thời điểm chân ướt chân ráo chuyển về Đồn biên phòng Đăk Nhoong, ngoài ba lô người lính khoác trên vai, A Hòa còn mang cả kinh nghiệm trồng sâm dây đến vùng đất mới đóng quân.
Thượng úy Hoà kể, để hiện thực hóa ý tưởng ấp ủ, bản thân anh đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng với Ban chỉ huy nhằm kêu gọi hỗ trợ nguồn cây giống. “Rất mừng là mọi người trong đơn vị đều đồng tình ủng hộ, sẵn sàng quyên góp mỗi người một ít để mua cây giống cho hộ ông A Mo trồng đầu tiên trên diện tích 2000m2. Ngay lập tức, tôi lân la trên mạng tìm hiểu, từ đó trang bị thêm kiến thức. Cộng với kinh nghiệm của bản thân, khi ấy tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ thành công”, A Hoà cho biết.
Quả thật, sau đúng 15 tháng dồn trọn tâm huyết, vụ thu hoạch sâm dây đầu tiên vào tháng 3 vừa qua đã cho “quả ngọt”. A Hoà mang lại doanh thu gần 50 triệu đồng cho gia đình ông A Mo.
Tiếp nối thành công, ngay khi vừa “bán đắt như tôm tươi” mớ sâm dây của ông A Mo (giá 70 nghìn đồng/kg), A Hòa quyết tâm mở rộng quy mô. Kết quả, thêm 2 hộ ông A Phăng và A Sanh đăng kí nhận tổng cộng 4.000m2 trồng sâm dây sau khi được A Hòa vận động nguồn giống. Tất nhiên, nhìn vào thành công của ông A Mo, không riêng gì 2 hộ trên mà cả xã biên giới Đăk Nhoong này đang tràn trề hy vọng về viễn cảnh làm giàu nhờ sâm dây.
Bằng chứng, nhà ông A Mo giờ đây đã chính thức “thoát ly” khỏi danh sách hộ nghèo. Sau khi bỏ túi số tiền trong mơ gia đình cũng không dám nghĩ tới, ông đã sửa sang lại căn nhà, mua thêm chiếc tivi và một chiếc xe máy làm phương tiện vận chuyển nông sản.
“Tất cả đều nhờ công ơn của cán bộ Hòa. Bây giờ tôi đã đảm đương cương vị trưởng thôn và chắc chắn tôi sẽ đem toàn bộ kinh nghiệm tích lũy mà A Hòa truyền dạy để hướng dẫn bà con”, ông A Mo xúc động bộc bạch.
Nhìn lại thành quả của chuỗi ngày đã qua, A Hòa quả quyết: “Tôi không muốn chỉ một, hai hộ thoát nghèo. Tôi tin trong tương lai không xa, nếu đi đúng hướng, đời sống bà con sẽ khấm khá hơn. Khi ấy xã biên giới Đăk Nhoong sẽ khoác lên mình chiếc áo mới. Tôi đang rất quyết tâm nhân rộng mô hình trồng sâm dây này cho tất cả 653 hộ dân của 6 thôn trên địa bàn xã trong thời gian tới”.
Nhật Minh - Bình An