15/03/2018 17:57
Trịnh Đình Tùng sớm ra đời lập nghiệp từ năm 18 tuổi. Tùng chia sẻ anh đã từng ra Bắc vào Nam để học và làm khá nhiều nghề như sửa xe máy, điện tử, rửa xe ô tô, lơ xe, đi biển, cửu vạn...
Theo Tùng, sau cả chục năm trời đi làm xa nhà, bản thân cảm thấy không hợp với các nghề trên. Năm 2010, anh về lại nhà, hàng ngày giúp ba mẹ trông coi, thu hoạch mủ cao su của nhà chừng 3 ha ở xã Kroong. Quá trình tiếp cận công việc sản xuất nhà nông, anh dần tích lũy nhiều kinh nghiệm về trồng trọt, chăm sóc rẫy cao su, đến vườn cà phê của người thân, cô chú có rẫy chung lối đi với gia đình. “Gần một năm lặn lội ở rẫy, tôi yêu thích nghề nông lúc nào không biết. Dù hôm trước tôi có mệt mấy, sáng hôm sau vẫn thích đi rẫy hít thở không khí trong lành, nhìn màu xanh của vườn cây cao su và nghe tiếng nói chuyện, tiếng lao động, bàn công việc của các nhà vườn xung quanh”, Tùng tâm sự.
|
Nhờ công việc giúp gia đình chăm sóc vườn cao su trên, ý nghĩ lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương bằng chính sức lao động của mình, được anh đề xuất với cha mẹ. Năm 2011, cùng với nguồn vốn tích góp lâu năm, anh đã chung vốn 200 triệu đồng cùng bố mẹ mua thêm 2 ha cao su đang cho mủ, nâng tổng diện tích lên 5 ha. Tiếp đến, năm 2012, cha mẹ chia nguồn tiền công chăm sóc, thu hoạch rẫy cao su trên cho anh gần hai trăm triệu. Anh sử dụng khoản tiền này mua lại 1 ha đất sản xuất độc lập.
Năm đầu tiên có 1 ha đất sản xuất của riêng, anh mạnh dạn trồng cây mì cao sản. Anh chia sẻ cách làm kinh tế của người trẻ: “Sẵn ở khu vực chân đất sản xuất có dòng suối, tôi đã tận dụng điều kiện về nguồn nước, nguồn đất, khí hậu của địa phương thuận lợi để chăm sóc tốt cho rẫy mì. Một năm sau thu hoạch mì, tôi có gần 20 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này, tôi dùng mua cây cà phê giống, thuê nhân công đào hố trồng cây cà phê”.
Theo Tùng, ngày tháng có đất trồng mì, anh vẫn tranh thủ nhận làm công thu hoạch mủ và quản lý 5 ha cao su cho bố mẹ cho đến nay. Có thời điểm mủ cao su bán được giá cao, công chăm sóc và cạo mủ trên 5 ha cao su cho tổng nguồn thu cả trăm triệu đồng/tháng. Riêng Tùng được bố mẹ tính trả lương như lao động khác 15 triệu đồng/tháng và tích lũy mỗi năm chừng 120 triệu đồng. Anh đã dùng tiền này mua thêm phân bón, đi Đăk Lăk, Đăk Hà để học tập kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê, hoặc mua thêm cây mới trồng dặm diện tích cây trồng không may bị chết.
Năm 2013, với mong ước mở rộng diện tích trồng cà, anh còn mạnh dạn lấy bìa đỏ đất sản xuất cá nhân, vay tiền ngân hàng 150 triệu đồng và tạm ứng tiền công của bố mẹ khoảng 100 triệu đồng mua thêm 1 ha cà phê của vườn liền kề đất sản xuất của mình. Có 2 ha cà phê, anh càng tập trung đi rẫy chăm sóc từng cây. Tranh thủ lúc nông nhàn, anh lấy xe máy đi thăm nhiều vườn cà phê cho năng suất cao ở huyện Đăk Hà để học tập. Nhờ đó mà việc chăm sóc vườn của anh dần đi vào ổn định.
Năm 2016, vườn cây cà phê 2 ha đã cho thu bói năm đầu tiên 6 tấn quả tươi bán với giá 9 ngàn đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng. Cũng trong năm này, anh tiếp tục mua 30 gốc cây bơ sáp về trồng xen canh vườn cà. “Tôi đi về Đăk Lăk, thấy vườn cà của người bà con trồng xen cây bơ khá tốt. Tôi đã học theo, mua giống cây bơ về trồng trong vườn cà của mình...”, anh Tùng nói thêm.
Năm 2017, vườn cà trồng xen cây bơ 2 ha của anh Tùng tiếp tục cho thu hoạch 15 tấn cà phê tươi. Thấy anh chăm chỉ làm kinh tế, bố mẹ đã giao lại diện tích 5 ha cao su hết thời hạn khai thác của gia đình để đầu tư mô hình sản xuất mới. Hiện tại, anh cho biết, mình cùng anh trai bàn nhau mua thêm cây cà phê giống mới để trồng 2 ha ở diện tích đất của bố mẹ, còn lại 3 ha xuống giống cây cao su.
Ngoài chịu khó làm kinh tế vườn, Tùng còn phụ sửa chữa, mua bán xe máy với tổng vốn dành dụm chừng 300 triệu đồng. Số tiền này, Tùng nhờ bố mẹ mua đất và giúp đứng ra xây dựng 1 căn nhà ở khang trang.
Thấy Tùng siêng năng làm kinh tế, sống hòa đồng, là tấm gương cho các bạn trẻ khác học tập, năm 2013, Chi bộ thôn và đoàn viên thanh niên khu dân cư đã giới thiệu anh vào chức danh Bí thư Chi đoàn ở thôn Trung Nghĩa Đông. Từ đó đến nay, Tùng luôn là thủ lĩnh thanh niên của thôn năng nổ, sẵn sàng tạo việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên thanh niên của chi đoàn, hoặc sẵn sàng giới thiệu mô hình làm kinh tế cá nhân tốt ở các địa phương mà bản thân biết, để nhiều thanh niên khác ở xã Kroong học tập, tự tìm lối đi phát ttiển kinh tế làm giàu cá nhân.
Nhận xét về Tùng, Ca Rô Chinh - Bí thư Thành đoàn Kon Tum đánh giá “Tùng không chỉ là bí thư đoàn năng nổ chỉ đạo tốt công tác hưởng ứng các phong trào, hoạt động đoàn ở cơ sở, mà còn làm kinh tế giỏi, đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên, vừa chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho mọi người học tập”.
Mai Trâm