19/11/2017 15:52
Hoàng Quốc Việt sinh năm 1972, trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, 25 năm trong nghề, trong đó có gần 20 năm làm công tác quản lý. Nhiều năm qua, anh được đồng nghiệp, nhiều phụ huynh và các thế hệ học sinh yêu mến bởi tấm lòng nhân ái, hết mình vì hoạt động từ thiện, luôn nỗ lực để mang về cho những học sinh khó khăn những phần quà, tấm áo để tiếp thêm cho các em nghị lực vươn lên trong học tập.
Mấy mươi năm trong nghề, những trường nơi thầy giáo Hoàng Quốc Việt đã giảng dạy và công tác đều nằm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Hà.
|
Là một giáo viên vùng khó, hơn ai hết, anh hiểu được những vất vả, thiếu thốn của nhiều học sinh, nhất là những học sinh nghèo; để đến được trường đều đặn là một sự cố gắng không hề nhỏ của các em. Chứng kiến những học trò gầy gò, đen nhẻm, mặc những bộ quần áo cũ mèm khi tới trường; nhiều em thiếu sách vở để học, áo ấm vào mùa đông; đi bộ cả mấy cây số đi học..., anh xót xa và luôn mong muốn làm gì đó để giúp đỡ các em.
Từ đó, anh đã tìm cách thu xếp thời gian, vật lực để giúp đỡ cho học sinh nghèo; kêu gọi sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Bất kể phần quà tặng nào dù nhỏ hay lớn miễn có ích cho học trò, gia đình phụ huynh, anh đều nhận và làm cầu nối đưa tới đúng các địa chỉ khó khăn. Nhờ đó, nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn học giỏi đã có thêm tấm chăn mới, chiếc xe đạp mới, hay đơn giản chỉ là những bao gạo, chai nước mắm; đôi khi là những suất học bổng giá trị...
Hoàng Quốc Việt chia sẻ: Là thầy giáo, nhưng mình lại có cái khiếu văn chương nên nhờ vậy mà quen biết được nhiều bạn bè, anh em là các nhà văn, nhà thơ ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Những người bạn này đã giúp mình rất nhiều, họ vừa là nhà tài trợ, vừa hỗ trợ mình trong việc kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ các học sinh nghèo chứ một mình mình thì làm sao được. Nói thực, mình chỉ trực tiếp giúp đỡ các em được phần nào rất nhỏ bé thôi, còn vai chính là đi tìm địa chỉ và kết nối các tấm lòng yêu thương ấy lại với nhau. Nhiều học sinh nhờ vậy đã được giúp đỡ để con đường đến trường bớt phần gập ghềnh.
Tiêu biểu như em Y Trinh (thôn 3, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) hiện đang học tại Trường Trung cấp Y tế Kon Tum. 2 năm trước, Y Trinh thi đậu Trường Trung cấp Y tế Kon Tum, nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, bố mất sớm, gia đình đông anh em nên em không thể theo học.
Nghe được tin này, thầy Việt đã tìm tới tận nhà để tìm hiểu, động viên, đưa Y Trinh đến trường xin Ban giám hiệu cho nhập học dù đã quá thời gian quy định gần 1 tháng, bỏ tiền ra đóng học phí cho em.
Sau đó, anh vận động bạn bè trong giới văn nghệ sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh quyên góp, dành cho em một suất học bổng. Mỗi tháng thông qua anh Việt, họ gửi cho Y Trinh 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống, hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, nếu thiếu hoặc tiền chưa kịp gửi về, thầy Việt lại bù thêm vào giúp Y Trinh để em yên tâm học tập.
Hay như trường hợp của em A Khôi và A Khái (thôn 3, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) mồ côi mẹ từ nhỏ, gia đình rất khó khăn. Mấy năm trước, khi các em còn học tại Trường Tiểu học A Dừa – nơi thầy Việt làm hiệu trưởng, anh đã cho các em ăn, ở cùng; dạy kèm; quyên góp tiền mua xe đạp, quần áo, sách vở tặng các em.
Năm nay, anh được điều động sang công tác Trường Tiểu học U Re, các em cũng lên học cấp 2 nên thầy trò phải xa nhau. Dù không ở cùng, nhưng mỗi tháng đôi ba lần, anh đều mua ít gạo, mắm, muối, cá khô hay vài cuốn vở, vài bộ quần áo mang đến nhà cho các em và để hỏi han việc học tập, động viên tinh thần các em.
Khi được hỏi thầy có nhớ được bao nhiêu lần quyên góp hay giúp đỡ người khác không, thầy Việt cười lắc đầu. “Làm sao nhớ hết được, hoạt động này không thể thực hiện một mình mà nó cần sự chung tay góp sức của nhiều người. Không chỉ kêu gọi cho học sinh mình đâu, khi có thời gian, mình còn quyên góp khắp nơi và theo bạn bè viết văn chương tham gia những chuyến từ thiện cho học sinh nghèo ở các tỉnh khác nữa. Ngoài việc vận động các nguồn ủng hộ, cũng may mình còn có những khoản nhuận bút từ việc cộng tác cho các báo, tạp chí để giúp mình có thêm điều kiện, cơ hội để tham gia các hoạt động từ thiện nữa” – thầy Việt trải lòng.
Làm được nhiều việc cho học sinh nghèo như vậy, nhưng thầy giáo Hoàng Quốc Việt vẫn còn trăn trở lắm. “Cuộc sống vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Một chiếc áo ấm không thể sưởi ấm hết các mùa đông, một tấm chăn dày cũng không thể mãi đắp cùng năm tháng; làm thế nào để xây dựng được một quỹ học bổng nho nhỏ để tài trợ có chiều sâu, có hiệu quả cho những học sinh nghèo học giỏi giúp nâng bước chân đến trường của các em”- Đó là ước muốn khi nói về những dự định trong hành trình làm từ thiện của người thầy có tấm lòng bao la, ấm áp.
Thuỳ Hương