Sáng kiến hỗ trợ người khiếm thính

17/06/2021 06:06

Với mong muốn giúp người khiếm thính thuận lợi hơn trong cuộc sống hàng ngày, 2 em học sinh Hồ Khánh Duy và Nguyễn Xuân Hiếu của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã sáng tạo ra “Thiết bị thông dịch ngôn ngữ ký hiệu”, đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021.

Hồ Khánh Duy chia sẻ, một lần về quê chơi, em có cơ hội tiếp xúc và cảm nhận được những khó khăn trong giao tiếp của những người khiếm thính. Sau chuyến đi đó, em bàn bạc với bạn Nguyễn Xuân Hiếu để lên ý tưởng, chế tạo một thiết bị để hỗ trợ họ trong cuộc sống hàng ngày.

Đôi bạn bắt đầu thực hiện dự án vào tháng 8/2020. “Khi bắt tay vào thực hiện dự án, chúng em gặp rất nhiều khó khăn về kiến thức và mua sắm thiết bị. Do đó, chúng em phải mua nhiều nguyên liệu, thiết bị qua mạng. Tuy nhiên, khi lắp ráp, một số thiết bị không phù hợp và chúng em phải tìm nhiều cách khắc phục”- Khánh Duy thật thà chia sẻ.

Mô tả về sản phẩm của mình, Xuân Hiếu cho hay, thiết bị chứa một camera cảm biến hồng ngoại, một màn hình điện tử gắn ở mắt kính, một micro và một loa phát. Khi người khiếm thính đeo kính và giao tiếp với người khác, camera hồng ngoại sử dụng trí tuệ thông minh sẽ nhận diện cử chỉ tay. Phần mềm vi tính sẽ phân tích cử chỉ tay rồi mã hóa thành dạng ngôn ngữ âm thanh. Lúc này, loa trên chiếc kính sẽ phát đi ngôn ngữ dạng âm thanh cho người khác hiểu.

Em Nguyễn Xuân Hiếu (trái) và em Hồ Khánh Duy giới thiệu về sản phẩm của mình. Ảnh: V.T

 

Khi người bình thường nói, ngôn ngữ lời nói thông qua micro truyền đến bộ vi xử lý. Tại đây, phần mềm sẽ mã hóa âm thanh thành ngôn ngữ văn bản. Sau đó, ngôn ngữ văn bản sẽ hiển thị trên màn hình của kính giúp cho người khiếm thị tiếp nhận thông tin dễ dàng.

Vừa qua, “Thiết bị thông dịch ngôn ngữ ký hiệu” của hai em đã xuất sắc đạt giải Ba trong Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2020-2021. Tuy nhiên, Hiếu và Duy thừa nhận, hiện tại thiết bị vẫn chưa thật sự hoàn thiện, do đó, thời gian tới hai em sẽ tiếp tục thu nhập thêm dữ liệu, mở rộng danh sách ký hiệu của thiết bị. Bên cạnh đó, cải thiện độ chính xác trong việc nhận diện.

“Chúng em hy vọng rằng, dự án “Thiết bị thông dịch ngôn ngữ ký hiệu” sẽ giúp đỡ cộng đồng người khiếm thính đến gần với xã hội. Bên cạnh đó, giúp xã hội tiếp nhận với ngôn ngữ ký hiệu một cách tự nhiên và thân thiện hơn. Đồng thời, tạo nên công cụ dịch hoàn chỉnh 2 chiều, giúp nhiều người trong việc tự học ngôn ngữ ký hiệu” - Xuân Hiếu nói.

Hai nam sinh còn cho biết, sẽ cải tiến về mặt phần cứng, giúp thiết bị nhỏ gọn hơn. Bên cạnh đó, thêm tính năng biên tập cơ sở dữ liệu. Qua đó, người dùng có thể bổ sung thêm từ mới, hay chỉnh sửa quy định chuyển đổi theo ngôn ngữ địa phương. Ngoài ra, làm đa dạng về dữ liệu, tăng độ chính xác. Đồng thời, mở rộng phạm vi thiết bị dùng cho việc học và dạy học ngôn ngữ ký hiệu.

Văn Tùng

Chuyên mục khác