Quyết không để cho con nghèo cái chữ

05/08/2017 17:59

​Hàng ngày bà Banh cặm cụi ngồi bên chiếc máy may; còn ông Chưt thì phụ vợ chọn các mẫu hoa văn thổ cẩm để mang đến đặt hàng các nghệ nhân trong làng theo yêu cầu của khách. Nghề may trang phục truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu khó làm giàu nhưng tằn tiện cũng đủ để ông bà chăm lo cho các con mình lần lượt bước vào đại học…

“Nghèo tiền nghèo bạc, không cho con nghèo cái chữ”

Tôi đến nhà ông Chưt (sinh năm 1958) và bà Banh (sinh năm 1967) ở làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) vào một buổi sáng cuối tuần. Ngôi nhà cấp 4 trông rất gọn gàng, ngăn nắp; phía trước trưng bày khá nhiều thổ cẩm và những bộ váy truyền thống của đồng bào Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng, Jẻ Triêng với đủ sắc màu sặc sỡ.

Nhờ chăm chỉ với nghề may trang phục truyền thống, ông Chưt và bà Banh đã lo cho các con mình học đại học

 

Ông Chưt đang phụ vợ trải tấm thổ cẩm ngay ngắn chuẩn bị cắt may bộ trang phục truyền thống cho một vị khách người Jẻ ở tận huyện Đăk Glei. Bà Banh thì chăm chú lắp ráp cho xong bộ quần áo để chiều kịp giao cho khách. Thấy chúng tôi đến nhà, vợ chồng ông đón khách bằng nụ cười thật niềm nở.

Ông Chưt cho biết, ông là người Ja Rai ở làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum); còn bà Banh là người Ba Na ở làng Kon Tum Kơ Nâm. Hai ông bà lấy nhau từ năm 1988.

Từ nhỏ, ông Chưt đã nổi tiếng trong làng bởi học giỏi, dù hoàn cảnh gia đình ông nghèo khó. Ông lại là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em. Năm lên lớp 6, bố ông qua đời, mẹ ông đau bệnh liên miên. Có lúc ông cũng có ý định bỏ học để ở nhà phụ mẹ và các chị chăm lo cuộc sống gia đình nhưng mẹ ông nhất quyết không cho với suy nghĩ “nghèo tiền nghèo bạc, không để cho con nghèo cái chữ”. Thương mẹ phải làm lụng vất vả nuôi gia đình nên ông Chưt luôn cố gắng học thật giỏi để mẹ luôn vui lòng.

Năm 1980, ông Chưt thi đỗ vào Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình ông khi đó có chuẩn bị ít gỗ để dựng lại nhà ở nhưng cũng đành phải bán để lấy tiền cho ông đi học - ông Chưt trầm ngâm nhớ lại.

Thương mẹ, 4 năm vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập, ông Chưt luôn ý thức tự lo cho bản thân nhằm giảm gánh nặng lo toan cho gia đình, vì vậy ông thu xếp để vừa học vừa làm, trang trải chi tiêu hàng ngày.

Năm 1984, tốt nghiệp ra trường, ông về nhận công tác tại thị xã Kon Tum.  Thế nhưng, ngày ấy, vì đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho đại gia đình 8 miệng ăn nên ông đành xin nghỉ việc về tập trung làm kinh tế gia đình. Vợ chồng ông chăm chỉ trồng lúa, cà phê, mì, bắp… nên cuộc sống không khi nào rơi vào nghèo đói.

Thấy thời gian nông nhàn khá nhiều, ông Chưt bảo vợ để ruộng rẫy cho một mình ông chăm lo, còn bà đi học thêm nghề may để vừa có thời gian chăm con cái, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.

Nhờ khéo tay lại chăm chỉ nên tiệm may của bà Banh không chỉ nổi tiếng ở làng Kon Tum Kơ Nâm mà được khá nhiều bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp nơi trong tỉnh biết đến. Từ nghề phụ bây giờ nghề may đã trở thành nghề có thu nhập chính của gia đình ông bà.

Những năm gần đây, vì sức khỏe giảm sút, hay đau ốm nên ông Chưt quyết định cho thuê lại ruộng rẫy để ở nhà phụ giúp vợ. Cũng nhờ tiệm may duy trì 20 năm nay mà ông bà mới có điều kiện để lo cho 6 đứa con được đến trường.

Khi được hỏi về việc đầu tư chăm lo học hành cho con cái, ông Chưt cho biết: Tôi luôn cố gắng thực hành đúng như mẹ tôi ngày trước là “nghèo tiền nghèo bạc, không để cho con nghèo cái chữ”. Thêm vào đó, thời đại ngày một phát triển, công việc gì cũng đòi hỏi lao động chất lượng cao; vì vậy, nếu không học thì rất khó để có một việc làm. Hơn nữa, ngày trước khó khăn rất nhiều nhưng tôi vẫn được bố mẹ cho đi học đại học, nên bây giờ tôi cũng phải ráng để các con mình có điều kiện được ăn học.

4 đứa con lần lượt vào đại học

Điều tự hào nhất với vợ chồng ông Chưt và bà Banh là 6 đứa con của ông bà từ nhỏ đến lớn dù không có cơ hội đi học thêm bên ngoài (ngoài giờ học chính trên trường) nhưng đều học rất giỏi. Đến nay, 4 đứa con đầu đã lần lượt đỗ vào các trường đại học.

Năm 2006, đứa con gái đầu của ông bà là Ksor Nga Hơ Jan (1988) là một trong những học sinh người dân tộc thiểu số có điểm số tốt nghiệp phổ thông trung học cao nhất tỉnh; sau đó em đã thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Báo chí (chính quy) đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bố mẹ mình rất nhiều.

12 năm học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Ksor Nga Hơ Jan đều là học sinh khá, giỏi. Vào đại học, Hơ Jan tiếp tục giữ vững phong độ học tập. Năm 2011, em tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá.

Ksor Nga Klăn Tùng hướng dẫn, chỉ dạy các em mình học tập

 

Noi gương chị gái đầu, năm 2011, đứa em gái thứ hai tên Ksor Nga Klăn Tùng (1991) đỗ vào Trường Đại học Đà Nẵng chuyên ngành tiếng Pháp. Sau 4 năm nỗ lực học tập, cô bé chăm chỉ và giàu nghị lực này đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi.

Năm 2015, đứa em gái thứ ba tên Ksor Nga Rơ Chong (1997) tiếp tục thi đỗ vào Trường Đại học Đà Nẵng chuyên ngành sư phạm lịch sử với số điểm khá cao. Tiếp tục phát huy thành tích học học thời phổ thông, những năm đại học, Ksor Nga Rơ Chong cũng là sinh viên khá, giỏi.

Kỳ thi đại học cao đẳng vừa qua, vợ chồng ông Chưt và bà Banh đón nhận thêm một tin vui nữa là đứa con trai thứ tư tên Ksor Ala Tur tiếp tục đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia và đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt chuyên ngành Luật.

Dù rất mừng khi nghe tin con đỗ đại học nhưng trên gương mặt của ông Chưt và bà Banh đượm nhiều nỗi lo; bởi năm học mới đã cận kề, phải ráng hết sức mới có đủ số tiền cho 2 đứa con cùng nhập học một lúc.

Như hiểu được nỗi lo của bố mẹ, từ sau khi biết tin mình đỗ đại học, Ksor Ala Tur cho biết em đã tự hứa với lòng mình, sau khi bước chân vào giảng đường đại học sẽ cố gắng tìm một việc làm thêm phù hợp để giúp bố mẹ vơi bớt gánh nặng.

Ông Chưt tự hào: Nhà nghèo, không có điều kiện cho con cái đi học thêm. Vì vậy, vợ chồng tôi không bao giờ sai các con phụ giúp việc đồng áng, ruộng rẫy mà tập trung toàn bộ thời gian để các con yên tâm học tập. Bản thân tôi, thường lấy kinh nghiệm học tập của mình trước đây để truyền đạt cho các con mình đó là phải cố gắng học bài và hiểu bài tại lớp; những bài tập khó thì mạnh dạn hỏi thầy cô giáo hay các bạn trong lớp.

Suốt ngày cặm cụi bên chiếc máy may, bà Banh chia sẻ: Thấy con cái học hành chăm chỉ, vợ chồng tôi mừng lắm. Đấy cũng chính là động lực để hai vợ chồng tôi cố gắng làm việc, chăm lo cho các con. Rất may là các con tôi đều ý thức được hoàn cảnh nên không bao giờ đua đòi với bạn bè. Ngoài tiền học phí đóng đầu năm học, mỗi tháng, vợ chồng tôi đều tích góp để gửi cho con 2 triệu đồng. Cũng có tháng túng thiếu, vợ chồng lại đi vay mượn của người làng...

Đến nay, 2 cô con gái lớn của ông Chưt và bà Banh đã ra trường đi làm. Dù đồng lương khởi điểm ít ỏi nhưng các con ông luôn biết chắt chiu tích góp để phụ bố mẹ lo cho các em ăn học…

Nhìn cách đứa con lớn thay bố mẹ răn dạy, chỉ bảo, làm gương cho đứa nhỏ học tập và noi theo, tôi càng nể phục hơn nề nếp, cách răn dạy con cái của một gia đình hiếu học ở làng Kon Tum Kơ Nâm này.

Bài, ảnh: Tú Quyên 

Chuyên mục khác