Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

04/07/2019 13:05

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1987) ở thôn 6, xã Tân Lập và Nguyễn Đình Đức (sinh năm 1986) ở thôn 12, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đã khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống, vươn lên trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Đứng bên vườn thanh long của gia đình, anh Nguyễn Văn Tuân kể: Năm 2008, tôi lên đường nhập ngũ. Môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi ý chí kiên cường, chịu khó. Năm 2010, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi xây dựng gia đình và bắt tay ngay vào lao động sản xuất. Tôi phục hóa diện tích đất đai bấy lâu nay gia đình bỏ hoang để xây dựng mô hình V.A.C với đủ thứ cây ăn quả, hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Thời gian đầu khó khăn lắm nhưng phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, dần dà tôi đã vượt qua được mọi khó khăn.

Đến nay, mô hình kinh tế V.A.C của gia đình anh Tuân có khoảng 1.500m2 ao nuôi cá các loại, 700 trụ thanh long ruột đỏ, 1.200 cây cà phê, 1.500 trụ tiêu, 200 cây sầu riêng, 200 cây chanh, 0,5ha bời lời, 2 sào đất lúa, 1,5ha mì, 5 con bò, 2 heo nái… Mô hình kinh tế đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh hàng năm từ 300 - 500 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Tuân còn tích cực giúp đỡ những gia đình khó khăn, nhất là đoàn viên thanh niên trong thôn, từ việc làm cho đến hướng dẫn cách thức làm ăn. Chính vì vậy, khi nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Tuân, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập và bà con nhân dân thôn 6 đều dành cho anh những tình cảm thật tốt đẹp.

Anh Nguyễn Văn Tuân chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: HL

 

Cùng tấm gương bộ đội xuất ngũ trở về địa phương làm kinh tế giỏi như anh Nguyễn Văn Tuân là anh Nguyễn Đình Đức ở xã Đăk Tờ Re.

Qua chuyện trò với anh, tôi được biết, trước đây, gia đình anh rất khó khăn. Vì vậy, học xong lớp 12, anh đã phải khép lại giấc mơ giảng đường đại học để đi học nghề thợ mộc. Đến năm 2008, anh nhập ngũ. Môi trường quân đội đã rèn cho anh nhiều thứ, được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Năm 2010, anh Đức xuất ngũ trở về địa phương. Được sự trợ giúp của bố mẹ cùng đoàn viên thanh niên trong thôn, anh đã mạnh dạn xin chính quyền địa phương khai hoang đất để trồng cây công nghiệp phát triển kinh tế gia đình.

Do đường sá đi lại khó khăn cùng với đồng vốn còn hạn chế nên ban đầu anh chỉ khai hoang được 2ha đất làm ruộng lúa. Dần dần anh đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng mì và khai hoang thêm đất để trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, bời lời… Ngoài ra, anh còn tiết kiệm tiền mua bò về nuôi theo phương pháp vỗ béo để bán, tăng thu nhập…

Đến nay, gia đình anh Đức đã có 8ha mì cao sản, 5ha cà phê, 2ha cao su sắp đến thời kỳ thu hoạch, 2ha ớt và 5 sào rau màu, 4 con bò sinh sản và đàn gà cả trăm con trong trang trại. Anh Đức nhẩm tính, ước tổng thu nhập hàng năm của gia đình anh từ 600-700 triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn theo thời vụ.

Anh Nguyễn Đình Đức chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: HL

 

Tấm gương của anh Nguyễn Văn Tuân và anh Nguyễn Đình Đức rất đáng được biểu dương khen thưởng. Những tấm gương này sẽ tạo sức lan tỏa để phong trào phát triển kinh tế gia đình tại các địa phương phát triển mạnh mẽ.

Hoàng Lan

Chuyên mục khác