15/02/2018 08:09
Ở thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), nhiều người biết đến A Khuất (32 tuổi, dân tộc Ba Na,) là một thanh niên có ý chí tự lực, không cam chịu đói nghèo, chăm chỉ lao động, trở thành một trong những người sản xuất giỏi ở địa phương.
“Thấy xung quanh, mọi người làm cà phê rất tốt, những năm được giá, cuộc sống của gia đình họ khấm khá hẳn lên. Người ta làm được, sao mình lại không làm được? Câu hỏi ấy cứ đeo bám tôi. Tôi nghĩ, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm thôi!” – A Khuất bày tỏ.
Được sự tư vấn và hướng dẫn của cán bộ Đoàn xã Đăk Mar, năm 2012, vợ chồng A Khuất vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Đoàn Thanh niên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để mua đất trồng các loại cây công nghiệp. Sau 5 năm tách ra ở riêng, nhờ cần cù, chịu khó làm lụng, chi tiêu tiết kiệm, học hỏi cái mới, đến nay gia đình anh đã có 3,5ha cà phê, 1ha cao su, 0,5ha cây bời lời và 1.000m2 lúa nước.
|
A Khuất cho biết: Vụ cà phê năm ngoái, gia đình anh trúng lớn, thu 360 triệu đồng. Năm nay, cao su bắt đầu cho khai thác; diện tích lúa cung cấp đủ lương thực cho gia đình, dự kiến thu nhập trên 400 triệu đồng. Từ một hộ nghèo cách đây 5 năm, bây giờ gia đình có của ăn, của để. Xây dựng được nhà cửa khang trang; mua sắm đầy đủ các loại phương tiện đi lại; công cụ, máy móc dùng trong sản xuất và các vật dụng sinh hoạt cần thiết phục vụ cho cuộc sống gia đình.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, A Khuất còn vận động thanh niên trong làng làm ăn theo mình. Không có vốn, anh cho mượn vốn để làm ăn, đến tận rẫy "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho cây trồng.
A Khuất còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3-5 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đến mùa vụ thu hoạch, hoặc lúc tỉa cành, tưới nước cho vườn cà phê, anh thuê thêm người làm và trả công 200.000-250.000 đồng/người/ngày, giải quyết việc làm thời vụ cho hơn 10 người trong thôn.
Còn Nguyễn Đình Đức (sinh năm 1988, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) sau khi xuất ngũ trở về quê hương năm 2010, đã quyết tâm thực hiện ý tưởng ấp ủ từ lâu là khai hoang vùng đất trống đồi trọc, làm kinh tế gia đình theo mô hình VAC mà anh đã học được từ trong quân đội.
Sau 7 năm cần cù lao động, vay vốn của ngân hàng và bà con để đầu tư mở rộng sản xuất, cùng với sự trợ giúp của những người thân trong gia đình, đến nay mô hình kinh tế trang trại của anh có 8ha mì cao sản, 7ha cà phê, 2ha cao su, 2ha ớt, 5 sào rau màu, 1ha ao nuôi cá, 4 con bò sinh sản cùng đàn gà hơn trăm con, thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 người, thời vụ cho 20-30 lao động địa phương.
Hay như A Huyền (sinh năm 1994, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô) với mô hình trồng cây công nghiệp gồm 1,5ha cà phê, 2ha cao su, 3,5ha mì, 1 xe tải phục vụ chở nông sản cho bà con, có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp một phần công sức trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguyễn Vinh Quang (sinh năm 1990, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) là chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh nội thất. Doanh nghiệp của anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 40 đoàn viên, thanh niên với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng, phần lớn trong số đó là thanh niên khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1987, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cũng là thanh niên làm kinh tế giỏi. Với diện tích 4ha đất vườn, trước đây anh trồng các loại cây ngắn ngày như cây bắp, cây mì, thu nhập không bao nhiêu. Thay đổi cách nghĩ, cách làm, trong mấy năm gần đây, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua thêm đất, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi.
Hiện, mô hình kinh tế VAC của gia đình Tuấn có: 1.500m2 ao nuôi các loại cá nước ngọt, 700 trụ thanh long ruột đỏ, 1.200 cây cà phê, 1.500 trụ tiêu, 200 cây sầu riêng, 200 cây chanh, 0,5ha bời lời, 2 sào đất lúa, 1,5ha mì, 5 con bò, 2 heo nái và hai đàn heo con… cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 5-10 lao động ở địa phương với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định rằng, khát vọng làm giàu của những thanh niên nói trên là động lực để nhiều thanh niên khác học hỏi làm theo, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thảo Nguyên