15/02/2019 12:59
Năm 1979, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế, họa sĩ Nguyễn Viết Huy được phân công đến vùng đất Tây Nguyên và nhận công tác tại Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Bắt đầu từ đây, họa sĩ Nguyễn Viết Huy nhận ra sự độc đáo, cuốn hút của núi rừng, thôn làng Tây Nguyên... Chẳng mấy chốc mảnh đất này đã trở thành niềm cảm hứng, cái nôi nuôi dưỡng cho những cảm xúc nghệ thuật của ông.
“Những ngày mới về, tôi làm việc tại Phòng Văn nghệ, công việc chủ yếu là tổ chức và quản lý công tác hoạt động về văn nghệ và mỹ thuật. Đây là thời điểm sau giải phóng được vài năm, điều kiện để hoạt động, sáng tác gặp khó khăn nhiều mặt, phương tiện, đường sá đi lại cũng không hề thuận tiện. Từ trung tâm tỉnh, tôi thường phải đi cơ sở để mở những lớp sáng tác ngắn hạn cho học viên trên địa bàn; tổ chức những trại sáng tác tại các làng, xã... Đắm say với công việc, gắn bó với dân làng, nên không biết từ bao giờ, tôi đã yêu con người, phong tục và những nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây” - họa sĩ Nguyễn Viết Huy nhớ lại.
|
Năm 1988, họa sĩ Nguyễn Viết Huy bắt đầu hoạt động tại Ban vận động của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Đến năm 1991, tách tỉnh Gia Lai và Kon Tum, ông chuyển lên hoạt động ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum.
Mảnh đất Kon Tum là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán có rất nhiều sắc màu phong phú... yếu tố này chính là chất liệu cần và đủ để sinh ra những họa sĩ đích thực, những tác phẩm hay, đẹp.
Qua những năm tháng cống hiến, lăn lộn với nghề, họa sĩ Nguyễn Viết Huy đã gặt hái được những thành công nhất định. Ông cho biết: Hơn 40 năm nay, số lượng các tác phẩm tôi vẽ khá nhiều. Tuy nhiên, nếu tính trên phương diện đủ để đạt các giá trị nghệ thuật, chỉ khoảng hơn 40 bức. Trong đó, có một số tác phẩm tôi tâm đắc, được nhiều người biết đến như Đêm trăng cao nguyên đạt giải A Triển lãm Mỹ thuật Nam Trung Bộ - Tây Nguyên năm 2011, Giải Hội Mĩ thuật Việt Nam (toàn quốc có 5 tác phẩm đồng giải); Vũ điệu Pơthi giải C Triển lãm Mỹ thuật Nam Trung Bộ - Tây Nguyên năm 2014...
Nhiều năm trong nghề, cũng đã gặt hái được một số thành quả nhưng họa sĩ Nguyễn Viết Huy vẫn luôn trăn trở là phải tìm ra những cái mới trong nghệ thuật, phong cách của chính mình. Ông chia sẻ: Qua nhiều năm lăn lộn trong nghề, những trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân được tăng lên, tuy nhiên sức sáng tạo giảm. Bởi sức sáng tạo đối với mỗi người là khác nhau, hơn nữa với bản thân ông, còn là vấn đề tuổi tác nên dù sao cũng có giới hạn. Vậy nên ông đánh giá rất cao vào lớp họa sĩ trẻ, bởi trong phong cách của họ có nhiều yếu tố mới, lạ, không chấp nhận đi theo những lối mòn.
Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực trong sáng tác, họa sĩ Nguyễn Viết Huy luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt thế hệ đi sau. Ông chia sẻ: Với trách nhiệm là người đi trước và cũng đã đến lúc phải lui về sau “cánh gà”, tôi luôn mong muốn có thể giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những họa sĩ trẻ, những thế hệ sau, để họ tiếp tục trau dồi tay nghề, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm phong cách mĩ thuật, góp phần thực hiện một mục tiêu chung, là đưa hội họa Tây Nguyên đến với tất cả mọi người.
Họa sĩ Hồ Việt – Trưởng chuyên ngành Mỹ thuật - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đánh giá: Họa sĩ Nguyễn Viết Huy có chiều sâu về nghề. Ông hiểu biết một cách sâu sắc về bản sắc văn hóa con người Tây Nguyên nói chung, cũng như với con người Kon Tum nói riêng. Vì thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, nên họa sĩ Nguyễn Viết Huy có thể hòa mình vào và trở thành một thành viên của gia đình lớn này.
Trong góc độ là người tiền nhiệm, họa sĩ Nguyễn Viết Huy là một người biết san sẻ trách nhiệm, kinh nghiệm của mình cho các đồng nghiệp. Các phong cách mang hơi hướng của thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên là một đề tài rất rộng lớn, chính vì vậy họa sĩ Nguyễn Viết Huy luôn đóng vai trò là trụ cột, để hướng dẫn cho những họa sĩ đi sau các cách tiếp cận đề tài, hướng làm việc; động viên lớp trẻ trong việc tìm kiếm cái mới, sự sáng tạo trong nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ họa sĩ ngày càng có tình yêu đối với nghề và khao khát sáng tác hơn.
Tất Thành