09/03/2017 08:07
Năng động
Chị Nguyễn Tố Như sinh năm 1980, tại Kon Tum. Năm 2007, chị tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và về công tác Khoa Kinh tế, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
Những năm 2007 - 2010, khi Phân hiệu mới thành lập và đi vào hoạt động, Khoa Kinh tế luôn có 600 - 800 sinh viên, chiếm hơn 50% tổng số sinh viên toàn trường. Trong khi đó, giảng viên của Khoa chỉ có 2 người, chị Như và 1 cán bộ quản lý, nên thời lượng đứng lớp trung bình 40 tiết/tuần/người.
Những ngày đầu gian khó này, chị nỗ lực vừa giảng dạy, vừa tự nghiên cứu tư liệu nâng cao nghiệp vụ đứng lớp, vừa tham gia các đợt hội thảo khoa học, trao đổi chuyên môn ở các khoa, các trường thành viên trong hệ thống Đại học Đà Nẵng. Chị đăng ký học nâng cao và hoàn thành chương trình thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường.
Chị tâm sự, được phân công giảng dạy môn học marketing đại cương, quá trình chuyển tải kiến thức cơ bản đến người học không gặp trở ngại; chỉ khó khăn lúc tìm nhiều địa chỉ doanh nghiệp cho sinh viên kiến tập, thực tập. Vì theo chị doanh nghiệp ở Kon Tum có quy mô, hoạt động kinh doanh chủ yếu vừa và nhỏ, ít chú ý đến yếu tố quảng bá, truyền thông giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng, nhằm kích thích tiêu dùng trên địa bàn.
Trước khó khăn này, chị đã cùng với đồng nghiệp ở Khoa Kinh tế khảo sát, nghiên cứu hoạt động kinh doanh trong tỉnh và đề xuất nhà trường hợp tác với các các công ty thương mại, doanh nghiệp tư nhân… để hỗ trợ lực lượng sinh viên kiến tập ở các đơn vị này. Thông qua các doanh nghiệp như Công ty CP Thương mại tổng hợp Kon Tum, các cửa hàng kinh doanh của Chi nhánh Viễn thông Viettel, Mobifone và nhiều doanh nghiệp khác, sinh viên có được cơ hội tiếp cận thực tế các hoạt động, tổ chức sự kiện truyền thông, cổ động lưu động giới thiệu sản phẩm... Nhờ đó, các sinh viên đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm trước khi ra trường.
Chị Như cũng nhấn mạnh: Sự thành công ban đầu trong tiếp cận đào tạo và giới thiệu nhân sự thực tập đã mở ra cơ hội cho nhiều sinh viên ra trường, được các đơn vị này tuyển dụng vào làm việc chính thức.
10 năm công tác ở Khoa Kinh tế, chị đã cùng các đồng nghiệp phấn đấu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh Kon Tum, các tỉnh trong khu vực và một số tỉnh của nước bạn Lào, Campuchia. Theo số liệu khảo sát, đánh giá của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, gần 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm, có nguồn thu nhập ổn định.
Say nghiên cứu khoa học
Ngoài công tác giảng dạy, tự nghiên cứu nâng cao chuyên môn, chị Tố Như có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Điển hình năm 2013, chị thực hiện thành công và đưa đề tài khoa học “Giải pháp Marketing-mix cho sản phẩm thanh long ruột đỏ” của tỉnh Kon Tum vào áp dựng thực tế ở thành phố, sau đó phát triển khoảng 20ha cây trồng này trong tỉnh.
Chị cho biết, ban đầu triển khai đề tài này, có 1 hộ dân ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đồng ý đồng hành cùng chị, trồng thử nghiệm thành công 0,5ha thanh long ruột đỏ theo mô hình thực phẩm an toàn.
Trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, chị đã làm tốt việc quảng bá, đăng ký kiểm định đạt các tiêu chuẩn chất lượng về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn thực phẩm do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận kiểm nghiệm. Với sự hỗ trợ của Đại học Đà Nẵng, sản phẩm sau thu hoạch được đưa vào hệ thống siêu thị Coopmart.
Chị Như chia sẻ, thành công của đề tài khoa học này không những giới thiệu loại quả thanh long ruột đỏ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn tạo cơ hội làm giàu cho người nông dân địa phương với giá trị thương phẩm 1kg thanh long ruột đỏ bán ra cao gấp 3 lần so với loại thanh long ruột trắng.
Năm 2014 đến nay, chị tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu khoa học “Thực trạng năng lực nghề nghiệp và đề xuất chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông vùng dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên”.
Với nghiên cứu này, chị Tố Như mong muốn xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá đúng về năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên phổ thông vùng dân tộc thiểu số để có đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên có năng lực, kỹ năng phục vụ giáo dục đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên.
Năm 2015, đề tài của chị được Hội đồng Khoa học Đại học Đà Nẵng đánh giá cao về tính thực tiễn và có đề xuất tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các yêu cầu khác để tham gia đề tài nghiêu cứu khoa học cấp bộ trong thời gian đến.
Cuối năm 2016 vừa qua, chị theo học nghiên cứu sinh tại Đại học Đà Nẵng với đề cương chuyên ngành marketing “Tác động của marketing lên hành vi tiêu dùng xanh”. Chị trăn trở: Ngày nay người tiêu dùng đã ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, an toàn trên mọi phương diện cuộc sống. Điều này không chỉ tốt cho chính bản thân cá nhân đó, ở đây còn có yếu tố giữ cho môi trường, bầu khí quyển trong lành, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên cùng kiệt. Thực tế này cũng đang được các nhà khoa học, các doanh nghiệp kinh doanh quan tâm, hướng đến.
Chị hy vọng, những ý tưởng tích cực của bản thân sẽ được người tiêu dùng địa phương quan tâm, ủng hộ cho luận án tiến sĩ sau này thuận lợi, góp phần nâng cao hành vi, ý thức người dân tiêu dùng sản phẩm có các chỉ số “xanh”, phía doanh nghiệp sản xuất có cơ hội nghiên cứu, chuyển dịch phương thức sản xuất xanh qua hành động quảng bá, giới thiệu hàng hóa xuất xưởng theo quy trình bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên môi trường, giảm tải ô nhiễm và lãng phí tài nguyên xanh.
Ngoài công tác giảng dạy, hỗ trợ học tập tích cực cho sinh viên và tham gia nghiên cứu khoa học, chị còn là Bí thư Chi bộ Khối giảng viên, Phó Chủ tịch Công đoàn Phân hiệu luôn nhiệt tình tổ chức, kêu gọi đoàn viên cùng đăng ký thực hiện thi đua giảng dạy tốt, tham gia tích cực hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao; chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động ngày càng tốt hơn.
Mai Trâm