10/09/2018 20:37
Kon Hngo Ktu bên dòng Đăk Bla thuộc địa bàn xã Vinh Quang cách trung tâm phố thị Kon Tum không xa là nơi ông A Lêr được sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời. Từ xưa đến nay, người đàn ông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên vẫn được biết đến với tài đan lát tre nứa, đặc biệt là đan gùi. Với những người dân sống bằng nghề sông nước, tay nghề đan lát còn thể hiện qua những chiếc đơm cái trũ để bắt cá. “Từ nhỏ đã biết đan rồi. Càng lớn càng thích đan hơn. Đan nhiều thì ngày càng nhanh càng đẹp...”- Ngắm nghía chiếc đơm đã cũ được đan bằng những sợi lồ ô chuốt tỉ mỉ, ông A Lêr chia sẻ.
Làng Hngo Ktu có nhiều người biết đan lát và không ít gia đình sống nhờ đánh bắt cá, nhưng để tạo ra những chiếc đó chiếc đơm vừa bền chắc vừa đẹp, tuổi thọ tới 5-7 năm như ông A Lêr thì không phải ai cũng làm được. Đó là kết quả của cả quá trình rèn luyện, đã khéo tay lại hay làm của người đàn ông yêu con sông dồi dào cá tôm. Tranh thủ thả vài chiếc đó chiếc đơm vào buổi tối, sáng ra, đã có thể thu về những mẻ cá và tôm tép, ít nhiều tùy vào mùa nước xuống hay nước lên. Những năm qua, ở Kon Hngo Ktu, ông A Lêr và các ông A Pay, A Deh... được biết đến là những người giỏi đánh bắt.
Không chỉ giỏi đan lát, ông A Lêr còn là một trong số nghệ nhân cồng chiêng cao niên ở khu dân cư. Từ khi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng ban công tác mặt trận thôn Hngo Ktu, bằng tinh thần trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng, ông càng gương mẫu “miệng nói tay làm” và ra sức vận động bà con giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Năm 2011, sau thời gian dài dành dụm, ông A Lêr đã tập trung làm mới căn nhà sàn theo lối kiến trúc truyền thống của người Ba Na. Trong đó, khó nhất là chuẩn bị hệ thống cột, kèo; ông đã kiên trì tìm kiếm và cất giữ từ rất lâu. Căn nhà sàn khang trang, đẹp đẽ ra đời cùng với những ngôi nhà truyền thống lâu năm trong làng góp phần đem lại vẻ đẹp bình yên và đậm đà bản sắc cho khu dân cư bên sông.
|
Không chỉ quan tâm dựng lại nhà sàn cho gia đình, năm 2012, ông A Lêr đã cùng già làng, thôn trưởng và những người có uy tín ở khu dân cư vận động bà con đóng góp mỗi hộ 100.000 đồng, tham gia ngày công lao động, đồng thời tổ chức đi lấy gỗ và tranh tre từ huyện Sa Thầy về phục dựng nhà rông của làng. Nhà rông cao rộng, khang trang- biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh hòa hợp của dân làng- bây giờ thực sự đã là nơi sinh hoạt cộng đồng gần gũi để tổ chức lễ hội, họp hành, giao lưu văn nghệ- thể thao...
Kon Hngo Ktu có 285 hộ với gần 1.900 nhân khẩu hầu hết là người Rơ Ngao (Ba Na), theo đạo Thiên chúa. Trong vai trò trưởng ban công tác mặt trận, ông A Lêr đã chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể quần chúng của thôn vận động và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung của Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sau này là Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trọng tâm là phát huy nội lực của người dân để phát triển sản xuất nông nghiệp, duy trì nghề đánh bắt thủy sản; góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Đến nay, Kon Hngo Ktu có gần 40% số hộ khá, từng bước giảm dần hộ nghèo. Gia đình trưởng ban công tác mặt trận A Lêr không chỉ trồng 5 sào mì, 5 sào bắp vùng bán ngập, mà còn ổn định chăm sóc 5 sào cao su kinh doanh, thu bình quân hơn 200.000 đồng/ngày. 6 người con của vợ chồng ông đều có gia đình riêng, ổn định cuộc sống. Con gái Y Liên sản xuất giỏi, gương mẫu, hiện là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ở khu dân cư. Chẳng những là trưởng ban công tác mặt trận giỏi, ông A Lêr còn vinh dự được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Bài, ảnh: Thanh Như