25/10/2022 13:06
Ngồi bên trong căn nhà nhỏ nằm ở giữa thôn Vắc Y Nhông, chị Y Mó cặm cụi xếp những miếng măng nứa đã phơi khô bỏ vào bì ni lông để bán cho khách. Chị Y Mó là người đầu tiên làm măng khô ở thôn Vắc Y Nhông và đến nay, chị làm măng khô đã được hơn 10 năm.
Theo chị Y Mó, mùa thu hoạch măng nứa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Dịp này, chị cùng bà con trong thôn đều vào rừng bẻ măng đem về phơi khô. Việc này không mất nhiều công sức nhưng lại có nguồn thu nhập cũng tương đối ổn định.
|
Chị Y Mó cho biết, trước đây (thời điểm chị Y Mó còn nhỏ tuổi), người dân trong thôn Vắc Y Nhông chỉ lấy măng nứa ngâm cùng với ớt trong nước muối để dành, ăn dần qua mùa mưa lạnh đến tận tháng 5 năm sau. Đến khi trưởng thành và lập gia đình, chị tìm hiểu, biết được ngoài ngâm nước muối, măng nứa còn có thể luộc sau đó đem phơi khô để thời gian bảo quản được lâu và chế biến được nhiều món ăn hơn. Từ đó, chị bắt đầu làm măng khô để làm thực phẩm dự trữ và bán kiếm thêm thu nhập.
Thời gian đầu làm măng khô, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm măng của chị Y Mó làm ra không được giòn, ngon và thơm; bên cạnh đó, việc bảo quản không đúng nên măng dễ bị mốc và hư. Trải qua nhiều lần làm măng khô không thành công, chị Y Mó rút ra kinh nghiệm, chỉ lấy những đoạn măng non để làm măng khô, phơi măng dưới trời nắng ít nhất 3 ngày và sau khi phơi xong bỏ vào bì ni lông cột kín, cất giữ ở nơi thoáng mát.
|
Chị Y Mó chia sẻ, làm măng khô vất vả nhất là lúc đi lên rừng bẻ măng. Vào mùa thu hoạch măng, mỗi ngày, chị và chồng lên rừng bẻ măng từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới về. Măng mọc ở những sườn núi có độ dốc cao, đi lại khó khăn nên mỗi ngày, vợ chồng chị chỉ cõng được 2 gùi măng mang về.
“18kg măng tươi phơi được 1kg măng khô nên trung bình mỗi tháng, chúng tôi chỉ thu hoạch và làm được khoảng 40kg măng khô”. Chị Y Mó cho hay.
Năm nay, măng nứa được mùa nên gia đình chị Y Mó thu hoạch, làm và bán được hơn 80kg măng khô cho thương lái. Hiện tại, gia đình chị còn hơn 40kg măng khô đang bày bán ở sạp hàng trước hiên nhà.
“Măng tươi tôi bán với giá 10.000 đồng/kg, còn măng khô bán với giá 200.000 đồng/kg. Ngoài bán sỉ số lượng nhiều tôi còn đóng gói măng khô vào trong các bì ni lông 0,5kg và 1kg để bán lẻ cho khách”, chị Y Mó nói.
“Hiện nay, măng khô được người dân trong thôn Vắc Y Nhông sử dụng rộng rãi để chế biến món ăn trong bữa cơm hằng ngày của gia đình cũng như trong các hoạt động truyền thống của cộng đồng thôn. Tôi và các chị em trong thôn hay cùng đi rừng và giúp đỡ nhau trong lúc thu hoạch măng. Mọi người cũng tự dặn nhau phải bảo vệ rừng, bảo vệ cây nứa thật tốt để có nguồn măng thu hoạch hằng năm”, chị Y Mó cho biết.
|
Chị Y Hành- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ring đánh giá, chị Y Mó là hội viên phụ nữ tiêu biểu của Chi hội phụ nữ thôn Vắc Y Nhông. Chị luôn chịu khó và cần cù trong lao động sản xuất. Qua sự chia sẻ của chị Y Mó, nhiều hội viên phụ nữ khác trong thôn, như chị Y Lên, Y Hảo, Y Phên đã học tập và làm măng khô theo, từ đó có thêm nguồn thực phẩm dự trữ và có sản phẩm để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Để giúp cho thương hiệu măng khô của địa phương vươn xa, UBND xã đã hỗ trợ các chị em hội viên phụ nữ thôn Vắc Y Nhông thiết kế bao bì và quảng bá sản phẩm măng khô, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP của xã trong thời gian đến.
Đức Thành