21/09/2023 13:01
Sau bữa cơm trưa, những người con, người cháu ngã lưng chợp mắt, ông A Hyui lọ mọ lôi chiếc nia đang đan dở dang cùng bó nan ngồi trước cửa bếp để đón ánh sáng. Ông chậm rãi lấy từng chiếc nan, tỉ mỉ đan tiếp chiếc nia mà nhiều ngày chưa xong.
Ồng A Hyui tâm sự: Tuổi cao, đôi tay tôi không còn nhanh nhen, mạnh mẽ như trước nên làm việc gì cũng thấy khó. Biết là vậy, nhưng không đan lát là tôi lại thấy khó chịu, thèm cảm giác được vót nan, được đan.
Ông A Hyui nhớ lại, ông biết đan gùi từ khi còn bé. Ngày ấy, cha ông là người chỉ dạy cho ông cách đan. Trước kia, đời sống người Gia Rai nơi đây chủ yếu dựa vào rừng, cũng chính vì thế mà chiếc gùi trở thành vật dụng quan trọng trong mỗi gia đình.
|
Từ sáng sớm thức dậy, bà con dùng chiếc gùi để đựng thức ăn, con dao lên rẫy, vào rừng. Đến chiều tà, gùi tiếp tục đựng măng, rau rừng, cá suối cùng bà con trở về nhà. Đến tối, khi bếp lửa giữa nhà nổi lên, cũng là lúc đàn ông Gia Rai tiếp tục miệt mài đan những chiếc gùi mới.
Ông A Hyui kể, ngày trước, vào buổi tối, đám con nít, thanh niên thường tụ tập lại nhà rông của làng để tán gẫu. Những đứa bạn thường rủ rê ông A Hyui ra nhà rông để nô đùa, nhưng rất ít khi ông đồng ý. Bởi lúc này ở nhà ông bị cuốn hút bởi những chiếc gùi, chiếc nia mà cha mình đang đan, khiến ông say xưa nhìn cha mình làm rồi dần dần học theo.
Khi lên 12 tuổi, ông A Hyui đã nắm được những kỹ năng cơ bản để làm một chiếc gùi. Những lúc theo chân cha lên rẫy, ông không quên chặt những cây nứa, lồ ô mang về nhà. Rồi dùng con rựa mà cha mình rèn cho tự tay chẻ từng sợi lạt, vót từng sợi nan để đan cho bản thân mình chiếc gùi.
Ban ngày, A Hyui ngồi dưới bóng cây phía sau nhà đan lát để không bị đám bạn trong làng nhìn thấy rồi trêu chọc. Tối đến, ông mang vật dụng vào trong nhà, ngồi gần vị trí mà cha ông hay đan lát để tường tận nhìn và dễ dàng học hỏi khi cần. Sau nhiều ngày miệt mài, đôi nay non nớt xuất hiện những vết sẹo do nứa cắt, nhưng chiếc gùi đầu tiên đã hoàn thiện.
Tuy không đẹp, sắc sảo như chiếc gùi cha mình làm, nhưng ông A Hyui cảm thấy vui sướng vì bản thân đã biết đan lát. Chiếc gùi đầu tiên giúp ông có thêm nhiều động lực để tiếp tục theo đuổi công việc đan lát, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt.
Sau chiếc gùi đầu tiên, “ngọn lửa” đan lát ngày càng bùng cháy trong con người ông A Hyui. Không ngừng học hỏi, ông tiếp thu thêm những kỹ năng để tạo hoa văn hay làm ra các sản phẩm như nia, thúng, đơm cá.
|
Khi trở thành thanh niên, ông A Hyui là một tay đan lát có tiếng trong làng. Ông có thể đan được nhiều sản phẩm từ tre, nứa. Các sản phẩm ông làm ra có độ thẩm mỹ ngày càng cao và được dân làng ưa chuộng. Nhiều bà con đã tìm đến ông A Hyui để đặt hàng, họ dùng heo, gà, gạo để đổi lấy những chiếc gùi, chiếc nia, chiếc thúng.
Khi ông A Hyui lập gia đình, nghề đan lát vẫn gắn bó với ông từng ngày, trở thành công việc phụ giúp gia đình ông có thêm một khoản thu nhập mỗi khi nông nhàn. Cũng như thế hệ trước, những người con trai của ông A Hyui lớn lên cũng chăm lo việc rẫy vườn và được ông chỉ dạy kỹ năng đan lát để nghề này không bị mai một. Dù biết rằng, ngày nay có nhiều sản phẩm có thể thay thế gùi, nia, đơm cá đan thủ công, nhưng với ông A Hyui vẫn vẹn nguyên một tình yêu với các sản phẩm đan lát.
Ông A Ỷh - Cán bộ phụ trách văn hóa - thông tin xã Ya Xiêr cho biết: Ông A Hyui là một trong những người còn duy trì nghề đan lát trên địa bàn xã. Dù tuổi đã cao, nhưng ông A Hyui vẫn rất đam mê đan lát, trong nhà lúc nào cũng có nhiều sản phẩm được làm từ tre, nứa. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho những người trẻ học đan lát và các nghề truyền thống khác để những nghề này không bị mai một.
Văn Tùng