09/03/2018 12:59
Đăk Bối – mảnh đất xa xôi, khó khăn nhất của xã vùng sâu Mường Hoong. Thôn chưa có điện thắp sáng, chưa có sóng điện thoại và đặc biệt, ngày trước, để đến được nơi đây, từ trung tâm xã phải đi bộ men theo các bờ ruộng bậc thang và sườn núi khoảng 2 giờ đồng hồ trong tiết trời nắng ráo.
Đường xá cách trở, người dân nơi này đều sống tự cung tự cấp. Thi thoảng có việc, bà con mới xuống trung tâm xã mua một số thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống.
Sinh ra và lớn lên tại Đăk Bối, chàng trai Xơ Đăng - A Lăm hiểu được nỗi vất vả bao đời nay của người dân. Dù đường xá xa xôi nhưng A Lăm cũng cố gắng xuống trung tâm xã học hết lớp 9. “Học được bao nhiêu thì mình áp dụng bấy nhiêu vào cuộc sống và giúp đỡ thêm bà con trong làng” – A Lăm thật thà.
|
Xác định, làm nông phải bắt đất đẻ ra tiền, khi trở về làng A Lăm đã tập trung vào trồng quế, bời lời và cà phê xứ lạnh. Không chỉ thế, khi thấy mọi người bắt đầu phát triển kinh tế từ cây dược liệu, A Lăm cũng hăm hở, trồng xen thêm đương quy, sâm dây…
Không chỉ cặm cụi, tìm tòi học hỏi, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, A Lăm còn hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong làng làm theo. Sống hiền lành, chất phác, biết giúp đỡ người khác, năm 2013 anh được dân làng bầu làm thôn trưởng.
“Được bà con tin tưởng, mình mừng lắm. Việc nhà, việc thôn nhiều nhưng mình luôn cố gắng để hoàn thành” – người con núi rừng A Lăm bộc bạch.
Thử nghiệm các loại cây, con thành công, A Lăm đích thân ra tận rẫy hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây cà phê; cầm tận tay chỉ cho bà con cách chăm cây quế, bón phân cho cây bời lời. Khi mọi người còn e ngại, chỉ sử dụng sâm dây trên rừng, A Lăm đến tận nhà, chỉ bà con cách trồng xen, phát triển diện tích để nâng cao thu nhập…
Trồng được cây, sản phẩm chất lượng nhưng việc tiêu thụ lại rất khó vì đường xá quá khó khăn.
“Thấy bà con vất vả quá, mình nghĩ: tại sao không mở đường để vận chuyển hàng hóa dễ hơn” – A Lăm chia sẻ. Nghĩ là làm, chàng thôn trưởng đã huy động dân làng mở đường. Đồng thời anh còn nhờ thanh niên làng khác sang giúp công.
Sự năng nổ, nhiệt tình của thôn trưởng trẻ như được đền đáp khi chính quyền xã Mường Hoong đã thống nhất đổ bê tông tuyến đường 3km từ trung tâm xã lên thôn Đăk Bối dựa trên nền đường cũ có sẵn.
Không dừng lại ở 3km, khi biết hằng năm người dân thôn Đăk Bối được nhà nước trả tiền dịch vụ bảo vệ rừng, chàng trai A Lăm đã động viên, tuyên truyền người dân tự giác sử dụng số tiền này thuê nhân công tiếp tục mở đường cho xe máy lên đến tận làng.
Với sự vận động của chàng trai uy tín A Lăm, bà con Đăk Bối cũng như các thôn khác đã tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức mở đường. “Giờ xuống xã không phải đi bộ, băng rừng nữa rồi” – già làng A Lê Lối, thôn Đăk Bối phấn khởi.
Tìm cách mở đường, hướng cho bà con cách làm ăn, A Lăm còn là một cộng tác viên tự nguyện, thường xuyên tuyên truyền cho người dân trong thôn biết ăn ở hợp vệ sinh, biết làm chuồng nuôi heo, nuôi gia cầm; không sinh con thứ 3, không uống rượu nhiều…
“Mình chỉ sinh 2 con thôi và tập trung làm kinh tế thật tốt. Mình nói được, làm được thì mọi người mới nghe theo” – A Lăm cười.
Ưng cái bụng về A Lăm, hiểu về sự cố gắng, nỗ lực vì dân làng, bà con nơi đây bàn bạc sẽ đặt con đường từ Đăk Bối xuống xã Mường Hoong tên là A Lăm.
“Thời gian đầu A Lăm làm thôn trưởng, dân chưa tin không làm theo. Sau này, thấy nó nói được, làm được lại thương dân làng nên bà con quý và ủng hộ lắm. Nhờ A Lăm nói, phân tích, bà con mới có đường đi; cũng nhờ nó, dân làng trên này mới hiểu được nhiều điều, biết chí thú làm ăn, ít uống rượu. Bà con nơi đây biết ơn nó lắm”- già làng A Lê Lối tấm tắc khen.
Con đường sắp hoàn thành, Đăk Bối đang dần thay áo mới. Nhà nhà biết chí thú làm kinh tế, biết sắm sửa các vật dụng, nông cụ, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất – một phần cũng nhờ thôn trưởng A Lăm.
“Thấy cuộc sống người dân ngày càng phát triển, mình mừng lắm! Mình sẽ cố gắng giúp bà con với tất cả tấm lòng, sự nhiệt huyết để không phụ niềm tin tưởng của mọi người” – thôn trưởng A Lăm khẳng định.
Với sự nhiệt huyết của A Lăm và nỗ lực của bà con, chúng tôi tin rằng, trong tương lai gần khi tuyến đường từ trung tâm xã lên đến tận làng được hoàn thành, rồi ánh sáng của dòng điện sẽ sớm được kéo về, Đăk Bối sẽ thay áo mới.
Trần Nhật Lam