10/10/2019 06:07
Sinh ra và lớn lên ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), già A Glong đã trải qua nhiều năm đứng trên bục giảng và đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mô Rai trước khi nghỉ hưu cách đây 10 năm. Thực tế gắn bó với bà con và kinh nghiệm công tác giúp ông đi đầu trong giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Rơ Măm - một trong số dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống tại tỉnh cực Bắc Tây Nguyên.
Tuy đã 70 tuổi, già A Glong vẫn khỏe khoắn, tháo vát. “Ở vùng sâu vùng xa, khó khăn gian khổ nhiều mà, phải cố gắng để trụ vững với thiên nhiên khắc nghiệt chứ…” - già cười hồn hậu. Quả thật, chính nơi gian khổ, khó khăn ấy đã góp phần rèn giũa, tôi luyện chiến sĩ trẻ A Glong của Huyện đội H67 năm xưa thành già làng vững vàng “như cây tre, cây gỗ trong rừng” được bà con tin yêu, quý mến hôm nay.
Ở làng Le ngày trước, bà con sống tận rừng sâu, heo hút giữa đại ngàn Chư Mom Ray. Với vị trí đặc biệt quan trọng ở vùng biên giới phía Tây Nam tỉnh, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là căn cứ kháng chiến kiên cường của H67. Dân làng một lòng theo cách mạng, gây dựng phong trào, chuẩn bị lực lượng để giải phóng Bắc Tây Nguyên. Năm 1969, chàng trai A Glong 21 tuổi đi bộ đội, công tác trong lực lượng vũ trang địa phương; sau đó, trở thành “thầy giáo”, dạy văn hóa cho cán bộ, đồng bào tại chỗ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy giáo A Glong tiếp tục giảng dạy, rồi trở thành cán bộ quản lý, có nhiều đóng góp đáng kể cho phong trào của địa phương.
|
Cũng như các DTTS ở Bắc Tây Nguyên, tinh hoa văn hóa của dân tộc Rơ Măm được hội tụ và thể hiện sinh động nhất trong các lễ hội truyền thống, gắn với tâm linh và thực tế cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Được trao truyền từ lâu đời, có thể kể đến là lễ mừng lúa mới, lễ mở cửa kho lúa, lễ bỏ mả… Đấng tối cao của người Rơ Măm là Yàng Plút, tức là thần Ngà Voi. Theo truyền thuyết, Yàng Plút hóa thân vào phiến đá thô mộc màu nâu xám, ở phía đầu mỏm có hình chiếc ngà voi nhô lên. “Đó là sự kết hợp tuy giản đơn, bình dị, nhưng mang ý nghĩa tâm linh cao quý, thể hiện sức mạnh quý giá và khát vọng trường tồn của dân tộc” - già làng A Glong ghi nhận.
Là một trong số nghệ nhân tiêu biểu của đồng bào Rơ Măm làng Le, già làng A Glong không chỉ giàu kinh nghiệm làm cây nêu và chế tác một số sản phẩm văn hóa dân gian; mà quan trọng hơn, với vốn kiến thức văn hóa và uy tín trong cộng đồng, già luôn đi đầu tập hợp, tổ chức thành công các hoạt động văn hóa truyền thống ở khu dân cư.
Nét đẹp cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm và các lễ hội của người Rơ Măm được già vận động, khuyến khích con cháu khôi phục, giữ gìn. Già còn trực tiếp chỉ dạy, hướng dẫn con cháu cách làm cây nêu truyền thống, đan lát thủ công.
Cuộc sống của người Rơ Măm, nhờ đi theo Đảng, theo Cách mạng và Bác Hồ, đã không ngừng đổi thay. Bây giờ, hệ thống điện - đường - trường - trạm ở Mô Rai đã được đầu tư hoàn chỉnh. Con em đồng bào được học hành đến nơi đến chốn. Lớp trẻ kế cận đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ đi trước. “Ngày trước, bà con mình chỉ làm rẫy bằng cái cuốc, cái xà gạc nhỏ nhỏ thôi; bây giờ biết làm ruộng cấy lúa và trồng nhiều cây công nghiệp nữa. Riêng cây cao su là cây chủ lực ở vùng biên giới này, hộ ít trồng 1-2ha; hộ nhiều có 9-10ha. Một số hộ sắm được máy cày máy bừa, làm đất thuận lợi lắm. Người Rơ Măm bớt nghèo rồi, vươn lên cùng các dân tộc anh em…” - Già A Glong phấn khởi ghi nhận.
Nhờ nỗ lực vận động, tổ chức của già A Glong, dân làng càng tự tin, phấn khởi chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; ra sức giữ gìn gần 100 bộ cồng chiêng, duy trì nhiều nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc trong cộng đồng.
Bản thân già A Glong vinh dự được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng tại Lễ Tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017; là một trong số cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích thi đua yêu nước, giai đoạn 2014-2019.
Thanh Như