11/10/2020 13:02
Năm nay mới hơn 40 tuổi, nhưng nói đến A Nô, ở làng Măng Rương II, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) thì gần như trong xã ai cũng biết. Anh là người đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn đầu tiên của xã vừa tích cực, vừa năng động, nhiệt tình, không những vậy, anh còn là tấm gương điển hình vượt khó, làm giàu, đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Măng Lung, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), đến năm 2000, A Nô lập gia đình và đến sinh sống tại làng Măng Rương II. Khi ra lập nghiệp, cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để phát triển kinh tế. Tài sản của vợ chồng chỉ có căn nhà tạm, vách nứa.
Không cam chịu, vợ chồng anh tích cực khai hoang, mở rộng diện tích được 3 ha mì, 2 sào lúa nước, nhưng hàng năm thu nhập cũng chỉ tạm đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học. Cuộc sống cứ luẩn quẩn trong thiếu thốn và nghèo đói.
|
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, A Nô tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Vì vậy, ngoài việc trồng mì để “lấy ngắn nuôi dài” và trồng lúa để đảm bảo lương thực, A Nô đã quyết định mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào đương quy. Sau 1 năm cần cù chịu khó chăm sóc, cây đương quy đã cho thu hoạch và vụ đầu tiên anh đã thu về trên 50 triệu đồng.
Thấy hiệu quả, gia đình anh tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển cây sâm dây, ngũ vị tử và mỗi năm gia đình anh thu về trên 80 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, A Nô đã mạnh dạn vay vốn để phát triển hơn 3 sào sâm Ngọc Linh.
Theo ông A Điện Chung - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lây, ở làng Măng Rương II, A Nô là một trong những người đi đầu trồng và bảo tồn giống sâm Ngọc Linh. Từ tấm gương của A Nô, đến nay, nhiều hộ gia đình ở làng Măng Rương II và trên địa bàn toàn xã tập trung phát triển các loại cây dược liệu sâm dây, sâm Ngọc Linh…trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo bền vững.
Anh A Nô tâm sự: Trước đây, sâm Ngọc Linh ở vùng này khá nhiều nhưng ngày nay thì ngày càng khan hiếm. Thời gian đầu, mình lặn lội khắp các khu rừng để tìm cây giống nhưng cũng không được nhiều. Trong khi đó, mình nghe tỉnh Quảng Nam có bán giống sâm này thế là mình bán luôn 2 con trâu được 14 triệu đồng mua hết giống về trồng. Sau đó, được Nhà nước hỗ trợ ít tiền, mình tiếp tục trồng thêm. Hiện nay, vườn sâm nhà mình đã có khoảng 600 cây mỗi năm gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng. Mình cũng muốn trồng thêm nữa nhưng ngặt một nỗi cây sâm giống giá rất đắt, hơn nữa mua sâm giống giờ cũng hiếm vì bây giờ có rất nhiều người trồng.
Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, gia đình anh A Nô đã có một căn nhà kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, xe máy…
Cùng với việc chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, anh A Nô còn là một đảng viên gương mẫu luôn đi đầu trong các phong trào ở địa bàn.
Ông A Điện Chung cho biết thêm: A Nô không chỉ là người đi đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn là một đảng viên năng nổ, nhiệt tình với công việc, hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của người bí thư chi bộ, trưởng thôn. Mọi nhiệm vụ được giao, anh đều tận tình, nêu cao ý thức trách nhiệm để hoàn thành công việc. Trong cuộc sống hàng ngày, A Nô luôn gần gũi, hòa đồng với bà con dân làng; quan tâm, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế với bà con nông dân; làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thôn để hướng dẫn, vận động bà con không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, biết tự vươn lên làm giàu. Đồng thời, anh còn kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân để phản ánh với chính quyền địa phương cùng nhau xây dựng quê hương…
Phúc Nguyên