20/05/2021 06:09
Không tham của rơi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều việc làm ý nghĩa “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”. Càng trân trọng hơn khi việc làm này xuất phát từ chính tấm lòng cao thượng của những người dân nghèo và học sinh ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Đơn cử, từ đầu năm 2020 đến nay, ở huyện vùng sâu khó khăn Đăk Glei, rất nhiều em học sinh trên địa bàn nhặt được của rơi nhưng không tham mà còn chủ động tìm người trả lại. Điển hình như 2 em Y Kim Tân và Y Mật (học sinh lớp 7 của Trường TH-THCS Đăk Plô), trên đường đi học từ nhà đến trường, 2 em đã nhặt được một chiếc ví da trong đó có 3,9 triệu đồng và một số giấy tờ khác. Ngay lập tức, 2 em đã mang số tiền trên giao cho nhà trường để nhờ nhà trường tìm trả lại người mất.
Tương tự, 2 em Y Dạu và Y Ải (đều là học sinh lớp 6 của Trường TH-THCS xã Đăk Man) trên đường đi học nhặt cũng được 1,9 triệu đồng và đã trao toàn bộ số tiền trên cho Ban Giám hiệu nhà trường, để trả lại cho người đánh rơi. Điều đáng trân trọng là cả 4 trường hợp nêu trên đều thuộc diện khó khăn và số tiền các em nhặt được sẽ giúp khá nhiều cho gia đình nhưng các em không tham của rơi, trả lại người mất.
Đặc biệt hơn, ngày 15/4/2021, anh Nguyễn Minh Kiệt (57 tuổi, trú tại thôn 9 xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) khi điều khiển xe mô tô từ thôn 9 xã Đăk Cấm đến thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 2 (xã Đăk Blà) thì nhặt được cọc tiền 60 triệu đồng. Ngay sau đó, do không biết chủ sở hữu số tiền trên là ai nên anh Kiệt tự giác mang số tiền trên giao nộp cho Công an xã Đăk Blà để tìm lại chủ sở hữu bị mất.
Đối với anh Kiệt và nhiều người khác thì số tiền 60 triệu đồng là khá lớn và sẽ giải quyết được rất nhiều việc. Tuy nhiên, không tham của rơi, anh Kiệt đã không làm điều đó. Đó là hành động đẹp thể hiện tính trung thực khiến chúng ta càng trân trọng và cảm phục.
Tự nguyện hiến đất
Thời buổi, “tấc đất tấc vàng”, mâu thuẫn, tranh chấp cũng chỉ vì đất - điều mà chúng ta thường thấy ở nhiều nơi hiện nay. Thế nhưng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh lại có nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân nghèo đã tự nguyện hiến đất để phục vụ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như làm đường, xây cầu, xây chợ để tạo sự đổi thay nhanh chóng cho vùng nông thôn.
|
Điển hình ở xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), sau nghi nghe chủ trương xây cầu, 8 hộ dân tại thôn 6 đã không ngần ngại tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để phục vụ việc xây cầu. Không chỉ hiến đất, khi ấy, họ chấp nhận và sẵn sàng chặt phá hàng trăm cây cà phê, cao su đang vào thu hoạch mà không đòi hỏi đền bù.
Tương tự, ở xã biên giới Pờ Y (huyện Ngọc Hồi), các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số dù cuộc sống chưa mấy khá giả nhưng khi được vận động, họ tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông và xây dựng chợ nông thôn xã Pờ Y. Đặc biệt, cũng tại địa phương này, dù chưa thực sự khá giả nhưng việc làm tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất cho địa phương để xây nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trong thôn của chị Quách Thị Hường và chị Hoàng Thị Mến (ở thôn Măng Tôn) càng làm chúng ta trân trọng, cảm phục.
Ngoài ra, những năm qua, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông mới, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục hộ gia đình đã tự nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng chợ, nhà văn hóa thôn, trường học và bê tông hóa đường làng ngõ xóm… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Điều đáng ghi nhận, trong phong trào “tự nguyện hiến đất” đã và đang lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh, kể cả ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Những em học sinh không tham của rơi, những người dân tự nguyện hiến đất là tấm gương sáng về lòng nhân ái, cao thượng mà nhiều người cần học tập và làm theo. Dù trong xã hội hiện nay, đâu đó tiền bạc, vật chất đã có sức lôi cuốn và hủy hoại đạo đức của nhiều con người thì chúng ta vẫn tin tưởng rằng, còn đó những hành động, những nghĩa cử cao đẹp như đã nêu trên sẽ ngày càng nhiều trong xã hội.
PHÚC NGUYÊN