18/06/2018 13:07
Nữ sinh bị liệt đôi tay học khá 12 năm liền
Cô bé Nguyễn Thị Mai ở thành phố Kon Tum, dù đôi bàn tay bị khuyết tật, song 12 năm đến trường em vẫn đạt thành tích đáng nể là liên tiếp học tập khá.
Mai tâm sự: “10 ngón tay của em bị co rút, cử động rất khó khăn, không thể giữ được vật gì quá lâu trong vòng 1 phút. Lên 7 tuổi đi học, em cố gắng tập cầm bút viết chữ, nhưng những ngón tay bị liệt không chịu “nghe” theo sự điều khiển của chủ nhân”.
|
Theo Mai, ngày nhỏ chưa suy nghĩ chín chắn, nên em rất buồn vì thấy mình bị khuyết tật. Em nhớ lại, lúc học tiểu học, mỗi giờ học luyện chữ, các bạn tập trung viết bài, riêng em không cầm bút được, đôi mắt chỉ biết chăm chú đọc sách. Em quan sát các bạn nắn nót từng con chữ, lúc đó em chỉ có một khao khát có ngày mình viết được như thế. Khoảng thời gian từ lớp 1 đến lớp 5, em vẫn miệt mài tập cầm bút để viết chữ nhưng đều bất lực, đôi tay của em gần như co quắp lại và dần không còn cảm giác nữa. “Lúc này, em đối mặt với sự thật, đôi tay của mình không giúp gì cho việc học chữ. Em quyết định dùng trí lực của mình cố gắng ghi nhớ bài học, nỗ lực học tập mỗi ngày”- Mai nói.
12 năm học ở trường, phương pháp học tập của Mai là dành phần nhiều thời gian trên lớp lắng nghe, ghi nhớ lời thầy cô giảng bài. Trong lớp học, biết nữ sinh này không thể chép bài bằng tay, bạn bè đã giúp em ghi bài học vào vở…
Lúc học ở nhà, Mai được người cha hỗ trợ, ghi chép giúp những bài tập, bài học cần soạn theo suy nghĩ, tính toán của em. Vào mỗi đợt kiểm tra, thi kết thúc học kỳ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn cử giáo viên ghi hộ đề thi vào giấy kiểm tra; sau đó Mai tự suy nghĩ cách giải từng bài thi rồi đọc lần lượt cho giáo viên chép hộ.
Thầy Võ Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (thành phố Kon Tum) nhận xét: “Mai vào trường với đôi tay bị liệt, các ngón tay teo tóp như trẻ lên 5 không cầm giữ được bất kỳ vật gì. Thêm vào đó, sức khỏe của em rất yếu, làm ảnh hưởng đến giọng nói nên rất khó phát âm. Nhưng bù lại, Mai có trí nhớ tốt, rất quyết tâm trong học tập. Bằng chứng, 3 năm học trung học vừa qua, nữ sinh này đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến”.
Nói về ước mơ tương lai, Mai mong muốn sẽ có một trường đại học, cao đẳng xét tuyển học bạ để em tiếp tục mơ ước trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, hoặc dược sĩ sau này ra trường có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân và có thể giúp đỡ nhiều người chung hoàn cảnh như mình...
“Gia đình cùng phấn đấu cho ước mơ tươi đẹp của em…”
Mở đầu câu chuyện về vượt khó học tập, nữ sinh khuyết tật bẩm sinh Nguyễn Thị Trang Thư- lớp 12B Trường PTDTNT huyện Đăk Tô đã chia sẻ như thế.
Tìm hiểu hoàn cảnh của Thư, từ những ngày đầu lọt lòng mẹ, đôi bàn tay của em đã bị liệt gần hết các ngón. “Hàng ngày đi học, đôi tay của em chỉ có ngón trỏ là cố gắng kẹp được chiếc bút vào lòng bàn tay giữ chặt và di chuyển chậm chạp để viết bài. Tuy nhiên, đôi bàn tay cứ thường xuyên co rút, dẫn đến đau nhức, tê buốt khi hoạt động. Mỗi lúc bị như thế, em phải dừng lại không viết nữa, nhờ các bạn xoa bóp lòng bàn tay, ngón tay để các cơ mềm nhẹ, dịu cơn đau. Nhiều lần thấy em viết khó khăn như thế, các bạn đã tranh nhau chép bài vào vở giúp em”- Thư giãi bày.
Thư bị liệt đôi tay gần 95%, đôi chân cũng bị tật đi đứng rất khó khăn, nhưng em vẫn may mắn hơn nhiều bạn khuyết tật khác là có trí tuệ dành cho việc học tập, có sức khỏe để vui chơi cùng các bạn trang lứa. Hạnh phúc hơn nữa, cha mẹ và chị gái rất yêu thương, quan tâm đến những sở thích, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống với em.
“12 năm đến trường, cha luôn là người đưa đón em. Trên con đường dài hơn 20 km đi về, cha luôn trò chuyện, động viên em phải mạnh mẽ, phải biết phấn đấu cho ước mơ của mình. Cha nói, mọi người trong gia đình cùng phấn đấu cho ước mơ tươi đẹp của em”- Thư xúc động nói về người cha của mình.
Thông tin về cô học trò khuyết tật học khá Trang Thư, cô Nguyễn Thị Hồng Minh- Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Đăk Tô nói: Theo quy định, năm học 2015-2016, em Nguyễn Thị Trang Thư không đủ điều kiện là học sinh dân tộc thiểu số để học tập, ở nội trú tại trường. Thế nhưng, gia đình đã đưa Thư đến trường với đề nghị tạo điều kiện cho em được theo học và ở nội trú tại đây. Hơn nữa, xét thấy Thư là người khuyết tật, nhưng vẫn say mê học tập và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trong 4 năm học trung học cơ sở nên Ban Giám hiệu xem xét, đặc cách cho em theo học tại trường. Ba năm học trung học phổ thông, em không chỉ học khá mà còn là trung tâm của sự đoàn kết, nhiệt tình hướng dẫn giải bài tập, trao đổi kinh nghiệm học tập với các nữ sinh dân tộc thiểu số ở khu nội trú nhà trường…”.
Với thành tích đạt 7 điểm ở 3 môn học khối xã hội, Thư mong ước tương lai sẽ trở thành nhà nghiên cứu địa lý tự nhiên. Em cho biết: Nếu trúng tuyển vào một trong các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh bằng học bạ đối với các thí sinh có hoàn cảnh khuyết tật như em, thì những ngày tháng ở giảng đường, em sẽ tiếp tục phấn đấu để có kết quả học tập thật tốt. Sau này em ra trường có công việc ổn định, mới mong chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh hơn ở ngoài xã hội…
Mai Trâm