20/09/2022 13:01
Ông A Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông đưa tôi đến thôn Tu Rằng, xã Măng Cành để gặp gỡ A Diêu. Vừa đi ông A Thắng vừa giới thiệu: A Diêu là một nông dân rất gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế để mọi người noi theo. Ban đầu, A Diêu tích cực tìm tòi, tham quan những mô hình kinh tế tiềm năng, phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng cho riêng mình và từng bước nhân rộng quy mô hình. Đến thời điểm hiện tại, A Diêu đã là một trong những gương mặt hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh nhà.
Ghé thăm khu vực rẫy của ông A Diêu, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi khu vực vườn, ao, chuồng của ông được đầu tư rất bài bản, khoa học. Ông A Diêu cho biết: Hiện tại, tổng diện tích đất canh tác của gia đình là 5ha, trồng cà phê, tre lấy măng, sâm dây và đương quy. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và nhiều loại máy móc nông nghiệp chuyên dụng, tôi có thể đảm đương phần lớn công việc. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, tôi thường thuê 15 người với mức thu nhập bình quân 44 triệu đồng/người/năm để hỗ trợ tôi chăm sóc cây trồng vật nuôi.
|
Dừng chân tại khu vực vườn cà phê trĩu quả, ông A Diêu cho hay, từ 2ha cà phê này, trung bình mỗi năm thu nhập khoảng 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, với 1ha tre lấy măng, mỗi năm cho sản lượng 35 tấn, thu về 350 triệu đồng.
Dược liệu là một trong những sản phẩm mà ông A Diêu tâm đắc nhất. Bởi theo ông, nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên việc canh tác sâm dây và đương quy khá thuận lợi. Cây dược liệu phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình ông. Từ 1ha sâm dây, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 3 tấn, đem về nguồn thu khoảng 900 triệu đồng; 1ha đương quy, sản lượng trung bình khoảng 14 tấn/năm, thu về 350 triệu đồng/năm.
Sau khi ổn định về cây trồng, ông phát triển thêm chăn nuôi. Sau quá trình “cắp sách” tìm tòi, học hỏi, tiếp thu qua mạng, các mô hình thực tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh, ông A Diêu lựa chọn nhập giống heo địa phương, trâu sinh sản và cá nước ngọt để gây dựng mô hình.
Nhờ chuẩn bị kĩ về kiến thức, kĩ thuật nên ông A Diêu phát triển đàn vật nuôi của mình theo từng năm. Đến nay, ông đã có 120 con heo (trong đó có 20 con heo sinh sản), 3 hồ nuôi cá có diện tích 300m2. Là hộ kinh doanh với quy mô sản xuất lớn, lại biết quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình, nên đầu ra sản phẩm của gia đình luôn được đảm bảo. Hàng năm, mỗi khi đến thời điểm xuất bán, các thương lái đều đặt hàng trước. Nhờ đó, ông tận dụng nguồn vốn xoay vòng sản xuất ổn định, mở thêm kinh doanh xe máy múc, xe công nông, xe tải chở vật liệu với doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm.
Bấm tay nhẩm tính, ông A Diêu chia sẻ với chúng tôi: Trung bình một năm, từ cây trồng, vật nuôi và buôn bán, tổng thu của gia đình tôi khoảng 3,9 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí đầu tư và trả công lao động khoảng 1,4 tỷ đồng, thì lợi nhuận hàng năm của gia đình vào khoảng 2,5 tỷ đồng.
Với kết quả như vậy, ông A Diêu vinh dự là đại diện cho tỉnh Kon Tum dự Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giai đoạn 2017- 2022 cấp Trung ương.
Dù bận bịu cả ngày, nhưng A Diêu luôn dành thời gian để tận tình hướng dẫn, chỉ bảo những người có nhu cầu đến học hỏi. Bởi bản thân cũng từng trải qua khoảng thời gian này, nên có lẽ ông A Diêu hiểu rõ khó khăn của những người bước đầu khởi nghiệp. Ông sẵn sàng cầm tay chỉ việc, giúp những người đi sau nắm vững kỹ thuật canh tác, phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả vào các mô hình phù hợp để tăng năng suất, cây trồng, vật nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Thắng đánh giá: Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, ông A Diêu xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Ông chính là nguồn động lực để các hộ khác học tập cách thức phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, xã hội.
Tất Thành