04/05/2017 08:59
Những ngày tỉnh Kon Tum thành lập lại, xã Sa Bình còn khó khăn lắm. Thủy lợi Đăk Prông khô hạn, nước không đủ tưới. Đồng bào các làng DTTS chủ yếu trồng mì, thường xuyên thiếu đói giáp hạt. Đường từ trung tâm xã vào làng Khúc Na và các thôn lân cận mùa mưa lầy lội, chật vật lắm xe máy mới qua được.
Ngày ấy, ông A Chiêu làm trưởng thôn. Giỏi làm ăn, hăng say công tác, lại là điển hình sinh đẻ có kế hoạch nên ông rất được cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tin tưởng, dân làng tín nhiệm.
|
Trên cơ sở định canh, định cư ổn định, thôn trưởng A Chiêu vận động bà con chăm lo sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từng bước chuyển nương rẫy bạc màu sang trồng cao su, cà phê, bời lời; động viên bà con giúp đỡ nhau, không sa đà rượu chè, chây lười. Đặc biệt, ông rất tích cực vận động các gia đình cho con em trong độ tuổi đến lớp đến trường; góp phần đưa Khúc Na thành một trong những điểm sáng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở của xã Sa Bình và huyện Sa Thầy.
Nhiều năm làm tốt vai trò thôn trưởng, đến lúc tuổi cao, từ năm 2000, ông A Chiêu được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng. Sẵn uy tín và kinh nghiệm, ông càng nhiệt tình, tận tâm đóng góp công sức cho khu dân cư. "Bà con tin tưởng A Chiêu lắm. Ông nói ai cũng nghe. Nhà nào cũng xem ông như người nhà, có vui có mừng đều gọi ông, có khó có khổ gì cũng nhờ ông..."- ông A Luân, một trong số vị cao niên trong làng Khúc Na bày tỏ.
Chị Y Thê thì bảo, già làng A Chiêu được bà con quý trọng, trước hết, vì ông luôn gương mẫu, đã chăm chỉ lao động sản xuất, lại xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Ông rất gần gũi bà con, thường xuyên đến các gia đình để thăm hỏi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư tình cảm của mọi người.
Già A Chiêu còn là hạt nhân đoàn kết, tập hợp các nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang, chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Lăng trong đời sống cộng đồng, đồng thời chủ trì tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, xoang cho con cháu trong làng. Đội cồng chiêng, xoang các lứa tuổi của làng Khúc Na là một trong những điểm sáng tham gia các sự kiện văn hóa, hoạt động văn nghệ dân gian của xã Sa Bình.
Việc họp thôn thường do thôn trưởng, thôn phó tổ chức, tập hợp; song trước thực tế một số gia đình chưa nhận thức đầy đủ, còn chểnh mảng, e ngại, không nhiệt tình tham gia, già làng A Chiêu đến tận nhà giải thích, phân tích điều hay lẽ hơn để họ tự giác sinh hoạt tập thể. Nhờ đó, cho đến nay, làng Khúc Na luôn duy trì mỗi tháng 4 buổi họp dân, bình quân mỗi tuần một lần họp đều đông đủ. Bà con nghe phổ biến công tác và bàn bạc những vấn đề của khu dân cư, như thời vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi, chung tay vệ sinh đường làng ngõ xóm, phân bổ hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt, rút kinh nghiệm tình hình an ninh trật tự...
16 năm làm già làng, đóng góp của ông A Chiêu cho cộng đồng được các cấp ngành, chính quyền địa phương ghi nhận. Ông vinh dự nhận bằng khen của Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh về thành tích công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhiệt tình, tâm huyết và gương mẫu, nỗ lực của già làng A Chiêu chính là sợi dây nối dài, gắn kết cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở địa phương với bà con dân làng. “Việc khó mấy ở khu dân cư, có già A Chiêu tham gia đều giải quyết ổn thỏa. Trong vai trò ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Sa Bình, ông càng tích cực đưa 5 nội dung trọng tâm của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa vào thực tế ở khu dân cư. Từ một làng nghèo, chậm phát triển, Khúc Na đã vươn lên thành khu dân cư có phong trào khá toàn diện; đặc biệt, an ninh chính trị, trật tự xã hội địa bàn luôn được giữ vững."- Ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Sa Bình ghi nhận.
Thanh Như