Đứng vững trên đôi chân tật nguyền

22/11/2016 09:01

Từ một người luôn tự ti, mặc cảm với đôi chân tật nguyền, anh Nguyễn Hoàng Phú ở tổ dân phố 9, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) đã vượt lên chính mình, học nghề và làm nhiều nghề để có thể đứng vững trên đôi chân của mình như bán vé số, sửa chữa cơ khí, nuôi rắn mối cho giá trị kinh tế cao…

Tàn nhưng không phế

Anh Nguyễn Hoàng Phú hiện đang sinh sống tại căn nhà số 26 (cũ) đường Phùng Hưng (thành phố Kon Tum).

8h sáng, chúng tôi đến thăm nhà người đàn ông khuyết tật giàu nghị lực – theo sự giới thiệu của UBND phường Duy Tân – như đã hẹn. Cánh cổng nhà vừa mở ra, anh Phú đón khách với nụ cười thật rạng rỡ.

Vừa mời khách vào nhà anh vừa đon đả kể chuyện: Hôm nay vợ đi bán vé số từ sớm, mình phải đưa đón con đi học (con trai anh học lớp 3- PV) rồi về tranh thủ dọn dẹp nhà cửa từ sáng đến giờ nên hơi bận rộn tí xíu.

Thấy chúng tôi thắc mắc về những chiếc máy hàn, xì đặt trước nhà, anh Phú bảo đấy là những máy móc anh dùng làm nghề cơ khí trước đây. Bây giờ, do sức khỏe không cho phép nên được dẹp sang một bên; lâu lâu mới lấy ra để làm xe 3 bánh cho người khuyết tật (nghề đã học) theo đơn đặt hàng của khách.

Anh Phú sinh ra trong gia đình có 5 người con, bản thân lại là anh cả; năm 4 tuổi, sau một trận sốt bại liệt, đôi chân của anh bị co quắp, đi lại khó khăn. Vì nhà nghèo nên chưa hết tiểu học, anh Phú đã phải nghỉ học để bớt gánh nặng cho gia đình.

Để phụ giúp bố mẹ lo cho các em, năm 15 tuổi, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh để mong tìm việc làm. Đi bán vé số dạo được 1 năm rồi anh Phú xin vào học nghề tại cơ sở cơ khí xe lăn, xe lắc Đức Cường. Được một thời gian, vì thương con phải vất vả ở nơi đất khách, bố mẹ đã động viên anh về lại Kon Tum.

 

Anh Phú trên chiếc xe lăn đi bán vé số kiếm thêm thu nhập. Ảnh: T.Q

Năm 2006, trong một lần đến giao lưu với cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), anh Phú đã gặp và yêu chị Lê Thị Thảo, cũng là người khuyết tật như anh; sau đó vượt qua rào cản từ phía hai bên gia đình vì sợ con mình sẽ khổ cực và sau này không chăm lo được cho con cái, anh chị vẫn quyết định đi đến hôn nhân.

Năm 2008, chị Thảo đã sinh cho anh Phú một cậu con trai kháu khỉnh. Thương con, thương cháu, bố mẹ anh Phú đã xuống Quy Nhơn để đón tất cả về Kon Tum.

Năm 2010, thông qua Quỹ hỗ trợ người khuyết tật, anh Phú được hỗ trợ vốn dựng cơ sở cơ khí Hoàng Phú trên mảnh đất của bố mẹ cho. Nhờ có phân xưởng, mỗi tháng gia đình anh có nguồn thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng. Để đủ tiền trang trải cuộc sống, chị Thảo còn đi bán vé số dạo.

Thấy được nghị lực của vợ chồng khuyết tật, 2 năm sau, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục hỗ trợ giúp gia đình anh Phú xây dựng căn nhà tình thương.

Anh Phú chia sẻ, với người khuyết tật bao giờ cũng thiệt thòi. Vì vậy, bản thân phải biết phấn đấu vươn lên – nếu không muốn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội; phải khắc ghi lời Bác Hồ đã căn dặn đối với những người thương binh và điều này có ý nghĩa cả với những người khuyết tật, đó là “tàn nhưng không phế”.

Thu nhập khá từ mô hình nuôi rắn mối

Anh Phú cho biết, trước đây anh cũng chăn nuôi bò nhưng vì đi lại khó khăn nên đã bán. Lúc rảnh rỗi, anh thường lên mạng tra tìm những vật nuôi phù hợp để thử nghiệm. Một lần đọc được bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn mối của một nông dân ở miền Tây, thấy hợp với điều kiện của mình nên tháng 8/2016 đã quyết định thử nghiệm.

Anh Phú mua xi măng, lưới và tận dụng sắt, thép còn lại từ hồi còn làm nghề cơ khí để xây ô chuồng rộng 20m2, chia làm 2 ngăn. Một nửa nền ô chuồng được anh Phú láng xi măng và lợp tôn, nửa còn lại anh đổ đất vào trồng các loại rau để tạo không gian xanh cho vật nuôi và phía trên giăng lưới để lấy ánh sáng, đồng thời tránh cho vật nuôi khỏi bị mèo, chuột vồ bắt.

Về con giống vật nuôi, anh Phú không đầu tư mua nguồn giống từ các tỉnh khác mà chịu khó đi thu gom tại chỗ, tránh tình trạng vật nuôi mua từ nơi khác về không hợp khí hậu. Với quyết tâm của bản thân, anh Phú đã dành thời gian cả tháng trời để đi “câu” rắn mối.

Thời gian đầu chưa quen, mỗi ngày anh chỉ câu được 2-3 con; về sau có ngày câu được 15-20 con. Với đặc điểm thường sống ở hang nên khi rắn mối bắt về cho vào chuồng trại, anh Phú cẩn thận dùng bóng đèn điện để sưởi ấm cho chúng. Đối với những vật nuôi đến kỳ sinh sản, anh còn làm chuồng nhân tạo bằng tôn, bên trong xếp những viên gạch để tránh rắn mối lớn ăn thịt rắn mối bé.

Anh Phú giới thiệu cách làm chuồng và nuôi rắn mối. Ảnh: T.Q

 

Qua nuôi thử nghiệm, anh Phú cho biết, mô hình nuôi rắn mối có nhiều ưu điểm: ít tốn công chăm sóc; thức ăn cho vật nuôi cũng đơn giản như dế, trùn, cơm nguội… Để tạo nguồn thức ăn bổ dưỡng, thường xuyên cho vật nuôi, anh Phú còn chịu khó nuôi dế tại nhà. Từ 200 con giống ban đầu, sau gần 4 tháng chăn nuôi, mô hình rắn mối của anh Phú đã phát triển lên 300 con.

Từ khi chăn nuôi đến nay, anh Phú đã bán được 3 đợt rắn mối thịt, mỗi đợt 1kg (1kg khoảng 20 đến 30 con tùy kích cỡ) với giá thị trường thu mua 350.000 đồng/kg. Hiện tại, một số người biết đến mô hình của anh cũng đã đặt hàng để mua giống về nuôi thử nghiệm với giá thị trường 15.000 đồng/con giống.

Không chỉ dừng lại ở ý tưởng mô hình nuôi rắn mối, anh Phú còn chia sẻ dự định sắp tới sẽ bàn với 22 thành viên trong nhóm khuyết tật Nghị lực của mình (thành lập 1/1/2015) để mở cơ sở sản xuất nhang tại nhà anh nhằm giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho các thành viên.

Tú Quyên 

Chuyên mục khác