26/06/2018 07:27
Duyên
4 năm nay, anh Huỳnh Tuấn Hưng, 31 tuổi, tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum gắn bó với việc làm ít ai dám nghĩ đến. Anh dành cả tuổi thanh xuân với mong muốn xây được những “ngôi nhà”, mang hơi ấm cho các vong nhi, những nấm mồ vô danh lạnh lẽo.
Ngồi nói chuyện, thi thoảng, anh Hưng lại chú ý vào 2 chiếc điện thoại để trên bàn. Hễ ai gọi điện báo có thai nhi xấu số bị bỏ rơi, anh phải tìm đến ngay rồi đưa về, tiến hành chôn cất, xây mộ đàng hoàng. “Cái duyên gắn tôi với việc làm này” - anh Hưng giải thích ngắn gọn về việc mình đang làm.
Đó là ngày 12/4/2014 (âm lịch), có việc đi ngang qua Nghĩa trang thành phố Kon Tum, anh Hưng ghé vào thắp nhang tại khu hài nhi. Về nhà, hình ảnh những nấm mồ phủ cỏ um tùm, nằm lạnh lẽo cứ ở trong tâm trí. Hôm sau, khi trong túi có vỏn vẹn 600 ngàn đồng, anh liền dốc hết, mua hương, hoa, trái cây dâng lên các nấm mồ.
|
3 ngày sau, anh Hưng nhận được 1 cuộc điện thoại từ người quen, báo rằng có 2 nấm mồ hài nhi được chôn vất vưởng ở vệ đường. Nghe tin báo, anh liền làm các thủ tục xin đất chôn rồi chạy đến, cùng với người bạn cất bốc về mai táng.
“Lúc đầu còn lóng ngóng lắm, chưa biết bắt đầu từ đâu. Cứ bình tĩnh, tôi dành 1,5 triệu ra thuê người đào huyệt, lo ma chay, cúng kính đàng hoàng rồi xây mộ. Thấy các con nằm lạnh lẽo, buồn tủi không thể bỏ mặc được. Khi lo cho các con xong, cảm thấy nhẹ nhõm lắm!” – anh Hưng kể lại.
Việc làm của anh Hưng dần được nhiều người biết đến. Thế rồi, thấy ở đâu có thi thể các cháu nhỏ bị bỏ rơi, họ lại gọi điện, báo anh. Không kể mưa hay nắng, cứ có người gọi, anh lại tìm đến.
“Lúc đầu tôi làm một mình, tự lo liệu kinh phí. Sau này, khi nghe điện thoại báo, tôi liền lên facebook kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Nhờ lòng hảo tâm của mọi người cũng như các chú thợ xây tốt bụng nên mọi việc suôn sẻ hơn” – anh Hưng chia sẻ.
Qua quá trình làm, anh tính, mỗi nấm mồ hài nhi mất khoảng 1,5 triệu để hoàn thành việc mai táng cũng như xây mộ hoàn chỉnh. Sau khi kêu gọi đủ số tiền, anh sẽ không nhận thêm dù nhiều người vẫn muốn ủng hộ.
Với sự góp sức của bản thân và nhiều tấm lòng hảo tâm, anh Hưng đã an táng, xây được 40 ngôi mộ thai nhi bị bỏ rơi. Cùng với đó, trong năm 2018, tại nghĩa trang còn 252 ngôi mộ vô danh chưa xây, cỏ mọc um tùm, thấy xót xa, anh Hưng đã cùng với chị Nguyễn Thị Cẩm Bình ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum làm các thủ tục theo quy định, kêu gọi ủng hộ và xây dựng toàn bộ với tổng kinh phí 110 triệu đồng (số tiền kêu gọi được 100 triệu, số còn lại anh Hưng và chị Bình góp thêm).
Trong suốt quá trình xây mộ, ngày ngày, mọi người đều thấy anh và chị Bình tranh thủ buổi trưa ghé đến quét vôi, sơn, cắm bình hoa, bát nhang vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để mọi thứ tươm tất, sạch sẽ. Không chỉ thế, anh còn tự đứng ra thắp nhang, cúng kính để các nấm mồ bớt lạnh lẽo.
“31 tuổi – nhiều người dành thời gian cho việc tận hưởng thanh xuân hoặc chuẩn bị hành trang cho việc xây dựng gia đình, sao anh lại dành hết thời gian vào việc này?” - tôi hỏi.
Anh Hưng cười hiền, bảo: Việc làm của mình cũng bị bàn tán nhiều lắm nhưng mình không quan tâm. Thực tế, mình vẫn đang tận hưởng cuộc sống đấy chứ. Công việc này mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Mỗi người có một cách sống, với mình, sống là cho đi. Và như vậy là hạnh phúc.
Nhịn ăn sáng giúp người bệnh
Miên man bên những câu chuyện, chúng tôi càng thêm bất ngờ với những điều nghe được. Với tấm lòng nhân ái, chàng thanh niên với vóc dáng nhỏ nhắn lại làm được nhiều việc, tạo động lực, niềm tin trong cuộc sống cho nhiều người
“Xuất thân từ một gia đình khó khăn, năm 2007-2008, tôi phải bưng bê, làm thuê để có tiền theo học. Khổ đến mức, nhiều hôm đói, không có tiền ăn, phải uống nước trừ cơm. Thời điểm đó, có vài người động viên, giúp tôi vượt qua. Trong lòng tôi biết ơn họ lắm. Và cũng chính lúc đó tôi nghĩ sau này sẽ giúp đỡ lại mọi người, trả ơn cho đời” – anh Hưng kể.
|
Năm 2009, ra trường, đi làm, công việc chưa ổn định, thu nhập bấp bênh nhưng thấy nhiều mảnh đời thiếu tiền chữa bệnh, anh Hưng nhịn ăn sáng, sử dụng tiền đó giúp họ thuốc thang. Có thời điểm, một tuần liền, mỗi ngày anh chỉ ăn 2 gói mì tôm để giúp những người khó khăn hơn mình.
“Vì thương họ mà không biết làm cách nào khác nên mình sử dụng giải pháp tức thời. Sau này mình quyết tâm làm nhiều tiền để gánh vác cho gia đình và giúp nhiều người” – anh Hưng bộc bạch.
Khi đi làm ở các tỉnh khác, với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, anh Hưng cũng tìm cách san sẻ với những cảnh đời neo đơn, khó khăn. Một ít quà được gói ghém cẩn thận; vài bộ quần áo đơn sơ được giặt ủi sạch sẽ; những bộ sách giáo khoa… anh chuẩn bị chu đáo rồi trao đến họ với tất cả những tấm lòng thành.
Về Kon Tum làm việc vào năm 2013, anh Hưng có cơ hội đi giúp sức cho các đoàn từ thiện. Đến năm 2014, anh tự thành lập nhóm Nhân Ái, cùng các thành viên trong nhóm chia sẻ đến bà con vùng cao.
Là trụ cột kinh tế trong gia đình, chàng thanh niên vừa lo cho mẹ, vừa lo cho bản thân đồng thời vừa trích tiền đi làm từ thiện. Để có đủ tiền, anh vừa làm kế toán, vừa bán bảo hiểm, vừa kinh doanh quán nhậu…
“May mắn sao những việc mình làm đều thuận lợi, đem lại thu nhập ổn định. Nhờ vậy, nhiều hoạt động gấp, mình phải tiên phong rồi mới kêu gọi mọi người” – anh Hưng thật thà.
Bao năm nay, hàng tháng, anh Hưng đều lên kế hoạch, đến thăm, tặng quà, giúp đỡ các gia đình neo đơn, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Khâu chuẩn bị tốn nhiều thời gian, nhiều hôm anh phải thức từ 4h sáng mua hàng hóa, gói quà… nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ. Anh bảo, cứ nghĩ đến nụ cười, niềm vui của mọi người là có thêm động lực. Anh sẽ luôn cố gắng để tiếp tục công việc này.
Khuya. Anh Hưng vẫn online facebook. Vài phút sau, thấy dòng trạng thái: “Chương trình xây 2 mộ thai nhi tại Nghĩa trang thành phố Kon Tum. Cần lắm sự chung tay của quý ân nhân để 2 con có nhà có cửa như mọi người. Tuấn Hưng xin cúi đầu biết ơn!”…
Bình An