“Đại thụ” ở thôn Gia Xiêng

20/10/2022 06:02

Bà con ở thôn Gia Xiêng, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) rất kính trọng già làng A Thiu (68 tuổi). Trước kia, ông A Thiu từng là giáo viên tiểu học, đem con chữ về với người dân Hà Lăng. Giờ đây, với vai trò già làng, ông tiếp tục vận động người dân bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để phát triển cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên ở Gia Xiêng, ngay từ khi còn bé, ông A Thiu đã chăm chỉ việc học. Gia đình khó khăn, cuộc sống chỉ quanh quẩn bên cây mì và lúa, ngoài thời gian theo ba mẹ lên rẫy, ông A Thiu đều tập trung cho việc học. Đến khi học xong phổ thông, ông A Thiu theo đuổi ước mơ làm thầy giáo với mong muốn dạy chữ cho những đứa trẻ nơi đây.

Già A Thiu kể, suốt những năm tháng gắn bó với ngành Giáo dục, ông nhận thấy, chính những hủ tục, phong tục lạc hậu của người Hà Lăng là một trong những nguyên nhân khiến bà con cứ nghèo mãi. Vậy nên, ông luôn lồng ghép trong những bài giảng cho học sinh về những hậu quả gây ra từ các hủ tục, phong tục lạc hậu như ma chay kéo dài, cúng bái khi đau ốm, đám cưới dài ngày, tảo hôn. Cùng với đó, ông còn tuyên truyền đến phụ huynh các em trong các buổi họp để dần thay đổi nhận thức của bà con.

“Với phụ huynh nếu nói một lần không nghe thì nói nhiều lần, gặp trên trường nói chưa hết thì đến tận nhà nói tiếp, cứ như thế mưa dầm thấm đất, dần dần bà con cũng bỏ bớt các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Tuy nhiên, ngày đấy nạn tảo hôn vẫn còn rất phổ biến” – ông A Thiu tâm sự.

Già A Thiu (giữa) đang vận động, tuyên truyền bà con. Ảnh: V.T

 

Năm 2010, ông nghỉ hưu và được người dân tín nhiệm bầu làm già làng Gia Xiêng. Trong vai trò mới, ông vẫn không ngừng tiếp thu những kiến thức mới, những cách làm mới để vận động tuyên truyền sao cho phù hợp.

Già A Thiu tiếp tục cùng chính quyền địa phương quyết liệt đẩy lùi các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, trong đó chú trọng xóa tục tảo hôn trong làng, xã. Ông phối hợp với cán bộ thôn sâu sát từng gia đình có con ở tuổi thiếu niên, theo dõi để nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có tình cảm sẽ nhắc nhở, cùng gia đình can thiệp. Nếu vẫn tiếp tục, ông A Thiu sẽ bàn với thôn trưởng đưa ra hình thức xử phạt, răn đe để làm gương cho thanh thiếu niên trong thôn.

Cùng với đó, dù đã chia tay với bục giảng, già A Thiu vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải nỗ lực học tập, dặn dò các phụ huynh phải kèm cặp các con, tạo điều kiện để con em được đến trường học tập đầy đủ, không được bắt ép các con nghỉ học sớm.

Già A Thiu tâm sự: Phụ huynh ở đây thường có thói quen bắt con em lên phụ ba mẹ làm rẫy, nhất là những ngày mùa vụ, các cháu thường nghỉ học để đi làm. Chỉ cần nghỉ một buổi, các em sẽ bị thiếu hụt kiến thức, ảnh hưởng đến những tiết học về sau. Do vậy, việc chuyên cần được tôi rất chú trọng, hễ gặp các phụ huynh là nhắc nhở cho con em đến trường học tập đầy đủ, gặp mấy cháu cấp 3 hỏi chúng có học đại học hay học nghề để định hướng, khuyên bảo chúng, để sau này có thể tìm được một công việc phù hợp.

Ông Trần Lệnh Tuyến – Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Già A Thiu là một mắt xích quan trọng cùng chính quyền địa phương vận động người dân xoá bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, cho con em đến trường học tập đều đặn. Nhờ sự tận tuỵ của già A Thiu, đến nay thôn Gia Xiêng không còn những hủ tục, phong tục lạc hậu. Người dân đã đến cơ sở y tế khi đau ốm; ma chay, đám cưới chỉ tổ chức trong thời gian ngắn; tình trạng tảo hôn không còn xảy ra.

Văn Tùng

Chuyên mục khác