Cụ ông đi bán đậu phộng để… làm từ thiện

20/03/2017 08:09

​87 tuổi - ở cái tuổi xế chiều nhưng hàng ngày cụ Lưu Bình ở tổ dân phố 1, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum vẫn đạp xe đạp đi bán từng túi đậu phộng luộc. Điều đáng nói, mỗi ngày, cụ trích gần toàn bộ số tiền lời để mua bánh mì giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó.

Hình ảnh cụ Bình râu tóc bạc phơ trong bộ quần áo pijama, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai ngả màu cháo lòng, bên chiếc xe đạp lụi cụi đi dạo bán từng túi đậu đã quá quen thuộc với người dân phố núi Kon Tum. Nhiều người ấn tượng về cụ bởi sự chịu khó, cần cù mà hơn hết vẫn là nét phúc hậu, lạc quan, yêu đời trên gương mặt đã in hằn dấu vết thời gian.

Cụ Bình lúc nào cũng cười phấn khởi, chẳng có chút gì là mệt mỏi, u sầu. “Đi bán thế này vất vả không cụ?” – chúng tôi hỏi. Cụ Bình liền lắc đầu nguầy nguậy, cười sảng khoái để lộ hàm răng chỉ còn vài chiếc lủng lẳng: Không mệt đâu cô, mỗi ngày tôi lấy 10kg đậu, sáng dậy sớm nấu rồi 7h30 đạp xe đi bán. Ban ngày bán không hết thì chiều tối tôi đi bán tiếp, hết thì nghỉ thôi.

Cụ Bình rong ruổi khắp các nẻo đường bán đậu phộng. Ảnh: H.T

 

Nói rồi cụ ông lại cười cười khoe rằng, từ ngày bán đậu đến nay, hôm nào cũng bán hết 10kg đậu, lời được hơn 100 ngàn đồng. Kể đến đó, gương cụ Bình lại toát lên niềm hạnh phúc đến kì lạ: Cũng nhờ vậy, 2 năm nay tôi mới làm được tủ bánh mì để giúp đỡ những người nghèo khó đấy cô.

Mấy năm trở lại đây, trong quá trình đi bán, cụ Bình để ý và thấy nhiều tủ bánh mì từ thiện đặt ở các tuyến đường. Không nói ra nhưng trong thâm tâm, cụ biết việc làm thầm lặng ấy thực sự rất đáng quý. Rồi một ngày, dạo qua tuyến đường Bà Triệu, đoạn gần cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh, cụ nhận thấy ở đây còn nhiều người khó, người khổ nhưng lại không có tủ bánh mì nào. “Thấy vậy, tôi liền nảy ra ý định tự mình sẽ đóng 1 cái tủ rồi mỗi ngày đi làm, trích tiền mua bánh mì bỏ vào đó cho những người cần” – cụ Bình kể.

Ngày đầu tiên, sợ mọi người không dám nhận nên 5h sáng, cụ tự đi mua 50 ngàn bánh mì, lên tận nơi để phát. “Ui đông lắm cô ơi! Thoạt đầu tôi gởi mỗi người 2 ổ nhưng không đủ nên sau tôi gởi mỗi người 1 ổ” – cụ Bình móm mém nói. Sau này, khi mọi người đã quen hơn với tủ bánh mì, mỗi sáng cụ đều đặt tiệm bánh đem đến bỏ vào tủ 100 ổ (130 ngàn đồng). “Tôi không phát, để mọi người lấy mà không phải ái ngại. Nhanh lắm cô, mỗi sáng bỏ ra là hết liền à” – ông nói.

“Những hôm trời mưa, đau ốm không đi bán được rồi tủ bánh mì thế nào?” – chúng tôi hỏi. Cụ Bình chỉ cười rồi nói rằng, không kể mưa gió, ngày nào cụ cũng cố gắng đi bán để kiếm tiền. Hôm nào đau lắm cụ mới ở nhà. Nhưng dù ở nhà, cụ vẫn lấy số tiền dành dụm được để mua bánh mì cho mọi người.

“Thấy việc tôi làm có ý nghĩa, một số người cũng tình nguyện làm theo. Người thì tài trợ thêm ít tiền còn người thì mua bánh mì bỏ luôn vào tủ. Thấy vậy mà cũng phấn khởi lắm cô” – cụ Bình nói.

Cụ Bình cùng người thân phát bánh mì ở gần cổng bệnh viện. Ảnh: H.T

 

Không chỉ mua bánh bỏ vào tủ bánh mì trước cổng bệnh viện, mỗi lần đi bán, thấy bánh mì ở các tủ trên các tuyến đường bị “ế”, ông lại lấy bánh mì dồn lại rồi đạp xe cọc cạch đem đến bệnh viện phát cho mọi người.

Gần chín thập kỷ có mặt trên cõi đời, hàng ngày cụ Bình vẫn duy trì nếp sống giản dị, thanh đạm ăn chay trường và dành một phần tiết kiệm để làm việc thiện.

Mỗi ngày đi bán đậu, dù vất vả nhưng thấy hoàn cảnh nào khó khăn cụ đều gom góp tiền để giúp đỡ. Cụ bảo rằng, những việc làm của cụ rất nhỏ nhưng xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương và hi vọng đó sẽ là niềm động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Việc làm nhỏ nhưng chất chứa tình yêu thương đã khiến biết bao người ấm lòng. Giữa cuộc sống xô bồ, ngày ngày đầy rẫy những thông tin cướp, hiếp, giết, việc làm của cụ đã vẽ nên những gam màu sáng, giúp cho bức tranh cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.

Ngồi nói chuyện một lúc, chúng tôi ra về, cụ Bình lại chuẩn bị đậu đi bán. Nhá nhem tối, trời nóng bức, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng gương mặt đôn hậu ấy vẫn nở nụ cười trìu mến…

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác