23/07/2021 06:12
Hơn 23h đêm 19/7, tranh thủ lúc dừng xe nghỉ ngơi giữa chặng, Duy Thanh gọi điện lại cho tôi để trao đổi một loạt vấn đề mà tôi đã gửi từ chiều. Thanh kể, đầu tháng 7, thấy lời kêu gọi ủng hộ bà con Thành phố Hồ Chí Minh của một người bạn trên Facebook, cậu hăng hái tham gia. Ngày 10/7, chàng sinh viên năm 4 của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cùng một nhóm lên Măng Đen (huyện Kon Plông), vào tận các nhà vườn để thu gom rau củ quả.
“Thấy tụi em xin rau củ để làm thiện nguyện, bà con thương lắm, người cho trái bí, người cho bó rau. Sau 2 ngày, nhóm em đã gom về được hơn 1 tấn rau củ các loại” – Thanh chia sẻ - “Hành trình đi gom rau củ chỉ kéo dài mấy ngày nhưng em cũng thấm mệt, vậy mới hiểu được sự mệt mỏi của đội ngũ bác sĩ, những nhân viên nơi tuyến đầu chống dịch và người dân miền Nam”.
Gom xong rau củ, nhóm bàn nhau sẽ gửi hàng xuống Gia Lai để nhờ họ vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Thanh không đồng ý, cậu xung phong lái xe chở hàng vào tâm dịch. “Sở dĩ em quyết định như vậy bởi bà con đã tin tưởng quyên góp rau củ cho tụi em, em muốn tận tay trao những món quà này để bày tỏ tấm lòng với người dân trong Nam”.
|
“Nói thật với anh, em mới ra viện sau 2 tháng nằm nội trú, em đã mổ 2 lần để nối gân và dây chằng, hiện tại tay em vẫn bị liệt 3 ngón cuối của bàn tay trái, nhưng em nghĩ, giờ tay mình có thể từ từ tập được, chịu đau hơn xíu thôi, trong khi hàng ngàn người miền Nam đang khó khăn, vậy nên em quyết định lên đường” - Duy Thanh cảm thấy may mắn khi quyết định của cậu được gia đình ủng hộ, dẫu rằng chắc hẳn ba mẹ rất lo lắng cho con.
Trong 1 tuần, từ ngày 13-20/7, chàng trai 21 tuổi này đã chạy tổng cộng 3 chuyến xe chở hàng cứu trợ vào khu vực phía Nam. Kêu gọi, quyên góp là một chuyện khá quen thuộc, nhưng một mình lái xe chở hàng vượt mấy trăm cây số thì quả thực rất ít người hình dung ra. Đối với Duy Thanh, không chỉ những sự cố trên đường, điều khiến cậu lo ngại hơn cả là bị nhiễm Covid-19.
“Không phải em sợ chết, mà nghĩ nếu mình nhiễm bệnh lại tạo thêm gánh nặng cho gia đình, lại không thể tiếp tục chuyển hàng cứu trợ cho bà con nữa – Thanh trải lòng – Nhiều người hỏi em có mệt không, tất nhiên là có, bởi xe tải chở hàng đi chậm, thời gian di chuyển tới 20 tiếng. Mỗi lần tới khu vực Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, em thấy mệt lả, rồi nghĩ, thôi xong chuyến này thì nghỉ, chứ mệt quá rồi. Nhưng dọc đường, thấy nhiều cụ già, trẻ em… ngồi trong nhà nhìn ra, ánh mắt như trông chờ, ngóng đợi, lại thấy nhiều xe chở người đi cách ly, có cả những em còn bé xíu, em lại thấy nghèn nghẹn, rưng rưng nước mắt, rồi lấy đó động lực để tiếp tục kêu gọi, vận động, lại tiếp tục chạy xe”.
Mỗi lần kết thúc một chuyến đi, Thanh quay về Trạm Sao Mai, sau khi làm đủ các thủ tục xét nghiệm, khử khuẩn phương tiện, cậu sinh viên lại đánh xe ra bãi đất trống gần đó, lấy lều bạt làm nhà, ăn cơm hộp, uống nước đóng chai. “Em cũng nhớ nhà và muốn vào trung tâm thành phố lắm chứ, nhìn anh em bạn bè đi gom rau củ quả, phân chia, đóng gói, em cũng sốt ruột, muốn giúp đỡ họ, nhưng bắt buộc phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch” – Thanh trải lòng.
“Mỗi lần nhóm tình nguyện viên đem hàng ra chất lên xe, họ đều hỏi, em còn đủ sức chạy bao nhiêu chuyến nữa? Nói thực là em cũng không xác định được, còn quỹ quyên góp là em còn chạy, bà con còn gửi rau là em còn chạy. Sinh viên như em, có khả năng làm được đến đâu thì mình cố đến đó, cứ nghĩ những người dân trong ấy là người thân máu mủ với mình là có quyết tâm. Những lúc này mới hiểu hết được ý nghĩa hai chữ “đồng bào”” – Thanh tâm sự qua điện thoại.
Trước khi gác máy, tôi hỏi Thanh có mong muốn gì cho bản thân mình không, cậu sinh viên ấy nói như thủ thỉ: “Em chỉ mong sức khỏe và an toàn để có thể tiếp tục làm được thêm nhiều việc ý nghĩa. Cũng mong người dân, cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, để những cảnh tượng đau lòng như em thấy suốt những chặng đường sẽ không còn nữa”.
Văn Tùng