29/11/2021 13:04
Năm 1997, anh Thao Nguyên lập gia đình và lần lượt sinh 3 người con. Cả gia đình phải sống trong căn nhà tranh, vách nứa chật chội, không tránh được những trận mưa lớn dột thấm nhão nền đất, không che được nhưng cơn gió lạnh cắt da, thịt vào mùa rét. Mỗi lần như thế, Thao Nguyên lại dặn lòng “phải quyết tâm thoát nghèo”.
Ngày ấy, lúc mới lập gia đình, vợ chồng anh Thao Nguyên được bố mẹ cho 2ha đất nông nghiệp làm quà cưới. Lúc bấy giờ, vợ chồng anh chuyên trồng mì. Sau nhiều năm canh tác, thấy đất đai ngày càng bạc màu, việc trồng mì chỉ vừa đủ cho gia đình sinh hoạt, không có dư giả.
“Có lần, tôi xem trên ti vi, thấy các tỉnh khác phát triển cây cà phê cho giá trị kinh tế cao, nghe báo đài thông tin nhiều nơi trên địa bàn tỉnh giàu lên nhờ trồng cà phê nên tôi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững” – anh Thao Nguyên tâm sự.
|
Năm 2009, vợ chồng anh mạnh dạn vay 60 triệu đồng vốn theo kênh Hội Nông dân xã Pờ Y ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hồi. Theo đó, anh chuyển đổi 2ha đất trồng mì không hiệu quả sang trồng cà phê. Các kiến thức trồng và chăm sóc cà phê được anh học hỏi từ các lớp tập huấn và những người trồng cà phê tại địa phương.
Hợp đất, hợp khí hậu, kèm với cách chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của anh Thao Nguyên phát triển rất tốt, cây xanh mướt. Năm đầu cà phê cho thu quả bói vây quanh cành như những cây lâu năm.
Ngoài việc trồng cà phê, vợ chồng anh còn làm thuê bên ngoài để có thêm thu nhập. Ai kêu gì làm nấy, anh Nguyên không nề hà. Sau nhiều năm tằn tiện và tích góp, vợ chồng anh thoát nghèo và xây dựng được căn nhà cấp 4 rộng rãi.
Vui mừng trước những thành quả đạt được, vợ chồng anh tiếp tục nỗ lực làm việc và nuôi dạy con cái ăn học. Năm 2016, để mở rộng diện tích đất canh tác, vợ chồng anh quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 250 triệu đồng để mua 5ha đất đầu tư trồng cà phê.
Sau hơn 4 năm đầu tư, đến nay, vườn cà phê của gia đình anh cho thu nhập ổn định. Dẫn tôi đi thăm vườn cà phê xanh mướt phủ kín 2 quả đồi, anh Thao Nguyên giới thiệu: Dưới thung lũng, tôi đào nuôi cá và lấy nước tưới cho cây vào mùa khô. Bên cạnh đó, để cây phát triển và năng suất cao, trung bình một năm tôi bón phân cho cây 3 lần.
Anh Thao Nguyên tâm sự: Bà con nơi đây có thói quen trồng cây rồi phó thác cho trời đất. Nhất nước, nhì phân, vậy mà có nhiều hộ cả năm không chăm bón gì, chỉ biết đến cuối vụ là đi thu hoạch. Có nhiều bà con thường hỏi tôi cách chăm sóc, tôi sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm mình có về việc cắt tỉa cành, cách bón phân, tưới nước sao cho hợp lý.
Đầu năm 2020, thấy diện tích đất gần vườn cà phê mình bỏ hoang, anh đã thuê 2ha để trồng mì với chi phí 10 triệu đồng/ha/năm.
“Với 2ha mì do tôi thuê đất trồng, nếu giá thị trường ổn định thì trừ mọi chi phí mỗi mùa vụ gia đình tôi có thể thu được từ 100 – 130 triệu đồng” – anh Thao Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, gia đình anh Thao Nguyên rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Cả ba cô con gái của anh đều có kết quả học hành rất tốt, con gái đầu đang học đại học ở Đà Nẵng, hai cô còn lại đang học tại các trường trên địa bàn huyện. “Vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng để các con học hành đến nơi đến chốn” – anh Thao Nguyên tâm sự.
Đến nay, gia đình anh Thao Nguyên có tổng cộng 7ha cà phê, 2ha mì. Mỗi năm gia đình anh tiết kiệm được 150 triệu đồng.
Chị Y Kiểm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Pờ Y cho biết: Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình anh Thao Nguyên có của ăn của để, cùng giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo. Hễ trong xóm có hộ nào gặp khó khăn, hoạn nạn, vợ chồng anh đều giúp đỡ và quyên góp ủng hộ. Gia đình anh Thao Nguyên là tấm gương cho bà con nơi đây noi theo.
Văn Tùng