16/09/2021 13:09
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Y Mẵnh được phân công về dạy tại Trường Mầm non xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Đến năm 2015, Y Mẵnh được luân chuyển về Trường Mầm non xã Đăk Pék và dạy tại điểm trường thôn Piêng Siêl. Cho dù dạy học ở đâu, cô giáo Y Mẵnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn chiếm trọn niềm tin yêu của các bậc phụ huynh, học sinh nơi cô dạy học. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, với cô giáo Y Mẵnh, điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, sự kiên trì và bền bỉ. Vì vậy, suốt gần 10 năm gắn bó với nghề, cô giáo Y Mẵnh luôn đem hết tình yêu thương, tâm huyết và kiến thức của mình dành cho trẻ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Gần 10 năm dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, cô giáo Y Mẵnh luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo để giúp các em học sinh nơi đây tiếp thu kiến thức. Trong từng tiết học, cô Y Mẵnh luôn nghĩ cách để làm sao giúp cho trẻ ngày càng tự tin, mạnh dạn tham gia phát biểu. Với các hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, học trò của cô Mẵnh luôn mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động vui chơi và học tập; các em ngoan chào hỏi khi có khách đến lớp, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mình mắc sai lầm... Bằng sự chân thành, hết mực yêu thương trẻ, nên tất cả các lớp học mà cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số huy động trẻ ra lớp, không có trẻ bỏ học, các em ngoan ngoãn, lễ phép.
|
Cô Y Mẵnh chia sẻ: Trước đây nhiều gia đình trong thôn chưa coi trọng việc học của con nên không cho con đi học mầm non, giáo viên phải rất vất vả vận động phụ huynh sáng sớm trước khi đi rẫy phải chở trẻ đến trường để cô giáo chăm sóc. Vận động trẻ đến lớp đã khó, nhưng để giữ chân trẻ ở lại lớp, tạo cho trẻ hứng thú khi đến lớp còn khó khăn hơn. Chính vì thế, giáo viên chúng tôi luôn tìm cách nuôi dạy linh hoạt làm cho trẻ hào hứng hơn trong quá trình học.
“Làm giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng xa thú thật nếu không yêu nghề, mến trẻ thì chắc khó ai có thể bám trụ được. Nhiều khi giáo viên mầm non như chúng tôi bỏ cả việc gia đình để đến từng nhà phụ huynh đón trẻ đến trường. Trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, chúng tôi phải về tận từng thôn, làng tổ chức phân ra dạy từng nhóm nhỏ không quá 10 trẻ nên công việc của chúng tôi thời gian này vất vả hơn nhiều. Nhưng bù lại hàng ngày chúng tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với các cháu, hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình hơn và rất vui các phụ huynh đều quý mến giáo viên và coi trọng việc học của con hơn” - cô Y Mẵnh bộc bạch.
Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Pék Trần Thị Tuyết cho biết, từ ngày cô Y Mẵnh về nhận công tác đến nay, cô luôn là một trong những giáo viên năng nổ, nhiệt tình tận tâm với công việc. Cô Mẵnh luôn phối hợp tốt với Ban Giám hiệu cùng đồng nghiệp xây dựng kế hoạch, ngân hàng tài liệu giáo dục trẻ phù hợp với các độ tuổi. Không những thế, cô còn nhiệt tình và đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường, ngành Giáo dục và địa phương phát động; tích cực tham gia các hội thi, chuyên đề và đạt giải cao như hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học sáng tạo, hội thi giao lưu tiếng Việt, viết sáng kiến kinh nghiệm, đồ chơi tự làm... Đặc biệt, cô Mẵnh không những vận động tốt đưa trẻ đến trường mà còn vận động nhiều phụ huynh đóng góp xây dựng sân chơi của điểm trường và nhiều dụng cụ, mô hình để phục vụ dạy học, vui chơi cho cô và trò. Hàng năm, cô Mẵnh luôn được các đồng nghiệp tín nhiệm bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đắc Vinh