18/11/2023 12:59
Cô Nguyễn Thị Lý (44 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại tỉnh Nghệ An. Lớn lên, cô vào Kon Tum học tập, sinh sống và lập gia đình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, cô Lý được phân công lên xã Hiếu (huyện Kon Plông), còn chồng thì giảng dạy ở huyện biên giới Sa Thầy. Khoảng cách hơn 100 cây số, chẳng có căn nhà cho riêng mình nên vài tháng hai vợ chồng mới gặp nhau một lần. Ăn bữa cơm gia đình, nghỉ lại một đêm, chồng cô trở về trường trên chiếc xe máy cũ để dạy chữ cho học trò vùng biên.
|
Với 18 năm làm trong nghề, cô Lý chuyển công tác 4 lần. Mỗi lần như thế, cô Lý ở đâu thì hai con đi theo ăn ở, học tập ở đó. Chỗ ở của mấy mẹ con là căn nhà tập thể của giáo viên. Năm 2003, con gái lớn của cô Lý lên 3 tuổi bị vàng da, bụng to bất thường. Khi đưa con khám ở Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) cô mới biết con bị bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Từ đó, đều đặn cứ cách 20 ngày cô Lý lại đưa con đi thăm khám, truyền và lọc máu một lần với chi phí khoảng 8 triệu đồng. Tiền tích góp cạn kiệt, vợ chồng cô Lý vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con.
Để ổn định cuộc sống và cho con cái có nơi ăn học đàng hoàng, năm 2019, vợ chồng cô Lý vay mượn tiền để mua căn nhà nhỏ ở thành phố Kon Tum. Niềm vui sum họp chưa được bao lâu, đầu năm 2022 chồng cô Lý phát hiện bị ung thư thực quản, và sau đó tử vong.
Chồng mất, cô Lý vừa làm cha, vừa làm mẹ và gồng gánh trả khoản nợ hơn 200 triệu đồng. Chật vật với cuộc sống hàng ngày, nhưng cô Lý không quên làm việc thiện để trả ơn đời. Chồng mất, nhưng hành trình thiện nguyện của cô Lý không đơn độc. Những khi rảnh rỗi hai con của cô cũng đồng hành, hỗ trợ mẹ mang nụ cười đến trẻ vùng sâu, vùng xa.
“Vượt qua được khổ đau, tôi đến với việc làm từ thiện như một nhân duyên. Trải qua muôn vàn khó khăn tôi mới hiểu rõ được nỗi vất vả, buồn tủi của những số phận, những mảnh đời không may mắn. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi quyết định tìm mọi cách để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh nghèo”- cô Lý chia sẻ.
Trong số những mảnh đời đã giúp đỡ, cô Lý ấn tượng nhất với hoàn cảnh cô học trò Y Tái (15 tuổi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) nhà có 5 anh, chị em. Bố chẳng có, mẹ đi làm ăn xa nên em Y Tái tự xoay sở bữa ăn và đến trường cho các em. Mấy đứa trẻ chẳng thể đi làm để kiếm tiền mua gạo, thức ăn nên nhà có gì ăn nấy. Thương mấy đứa trẻ bơ vơ, sống dưới căn nhà vách nứa, cô Lý mua thức ăn, quần áo để mấy chị em no bụng. Năm 2021, cô Lý kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà cho chị em Y Tái để che nắng, che mưa. Trong năm 2022, cô kết hợp với mạnh thường quân trao tặng gần 100 chiếc xe đạp, 200 bộ sách giáo khoa, 50 cặp sách cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy.
|
“Nhiều năm qua làm thiện nguyện, biết ai có hoàn cảnh khó khăn ở đâu, tôi chạy đến với họ. Số tiền lương ít ỏi tôi dành cho họ có thêm gạo, bó rau, manh áo hay ít tiền mua thuốc. Về nhà, tôi tìm mọi cách để kêu gọi người thân, bạn bè quên mọi thứ để giúp đỡ hoàn cảnh đó. Tôi cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ mọi người, nhất là các mạnh thường quân trên khắp cả nước để chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh”- cô Lý cho hay.
Được biết, thời gian qua, cứ 2 lần/tuần, cô Lý tranh thủ đến trường sớm hơn mọi ngày để phát bữa sáng cho học trò. Hôm thì bánh mì, khi thì xôi, bánh bao giúp hàng trăm đứa trẻ vùng khó no bụng để con chữ được thắp sáng.
Thầy Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr cho biết, hoàn cảnh cô Nguyễn Thị Lý vô cùng khó khăn khi chồng mất vì ung thư, con bị bệnh bẩm sinh, dù vậy, cô Lý không chỉ nỗ lực, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao mà còn tích cực hoạt động thiện nguyện, sẻ chia, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, máy tính cầm tay, quần áo cho học sinh, người dân nghèo. Chỉ mới về trường giảng dạy được một thời gian ngắn nhưng cô Lý đã huy động được 1 chiếc tivi, 50 bao xi măng giúp trường khang trang, thêm thiết bị học tập. Việc làm của cô Lý rất ý nghĩa và đây cũng là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.
Nay Săt