05/11/2018 13:00
Năm 2010, chị Trịnh Thị Dung cùng gia đình từ huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vào huyện Ia H’Drai lập nghiệp (lúc bấy giờ là xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên thời gian đầu, gia đình chị Dung phải dựng nhà tranh ven suối để ở tạm.
Đến cuối năm 2010, Công ty Cao su Sa Thầy có chương trình cấp cho mỗi hộ công nhân một căn nhà nhỏ làm bằng ván để ở và khi ấy, gia đình chị Dung mới chính thức có chỗ an cư. Có nhà để ở nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn rất chật vật vì mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân của anh Lê Văn Ca - chồng chị Dung.
Quyết không cam chịu đói nghèo, chị Dung luôn trăn trở tìm cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc khai hoang được 1ha đất dọc các bờ lô hợp thủy quanh vườn cao su nhận khoán của gia đình để trồng mì, từ số tiền tích góp của gia đình, chị Dung còn đầu tư nấu rượu, nuôi heo. Với đức tính cần cù, chịu khó, từ 4 con heo giống ban đầu, chị Dung đã phát triển đàn heo lên vài chục con.
Từ mô hình trồng mì và chăn nuôi heo đã giúp vợ chồng chị Dung tích lũy được một số vốn. Lúc này, chị Dung quyết định mở rộng hướng làm ăn, đầu tư 1 tiệm tạp hóa nhỏ và kinh doanh dịch vụ karaoke.
Để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho gia đình, chị Dung còn bàn với chồng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng tiêu và mua 3 con bò giống về nuôi. Hiện tại, 200 trụ tiêu của gia đình chị đã cho thu hoạch và số lượng đàn bò cũng tăng lên 8 con.
Với sự nỗ lực chăm chỉ làm ăn, dần dà kinh tế gia đình chị Dung cũng đã được xếp vào hàng khá ở xã Ia Dom với mức thu nhập bình quân khoảng hơn 200 triệu mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu.
Đầu năm 2018, vợ chồng chị Dung xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kinh doanh thêm quán ăn, quán cà phê. Chị Dung tiết lộ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển đổi 1ha đất trồng mì sang trồng cà phê để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Kinh tế gia đình phát triển ổn định, được chồng và các con ủng hộ, chị Dung có điều kiện làm tròn vai trò, trách nhiệm của một Chi hội trưởng phụ nữ thôn.
Tính từ năm 2014, sau khi được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2, chị Dung luôn tích cực tuyên truyền, vận động chị em hội viên trong chi hội thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào thi đua. Từ những kiến thức về các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cũng như kinh nghiệm làm ăn của bản thân, chị Dung luôn nhiệt tình chia sẻ cho hội viên trong thôn làm theo.
Chi hội phụ nữ thôn 2 có 80 hội viên, nhưng trong đó có hơn 70 hội viên nằm trong danh sách hộ nghèo. Để giúp chị em phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, ngoài vận động chị em vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chị Dung còn vận động chị em thành lập Quỹ tiết kiệm hỗ trợ sản xuất để giúp đỡ lẫn nhau.
Tuy mới thành lập nhưng nguồn Quỹ đã tăng lên được 30 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ này, nhiều chị em trong chi hội đã được giúp đỡ để phát triển sản xuất. Như gia đình chị Vũ Thị Hoàn - hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vay không tính lãi 30 triệu đồng của Quỹ tiết kiệm hỗ trợ sản xuất để mua bò giống về nuôi. Sau vài năm, đàn bò của gia đình chị Hoàn đã tăng về số lượng. Tích lũy được số vốn từ việc nuôi bò, chị Hoàn đầu tư trồng thêm cà phê. Đến nay, gia đình chị đã xây được nhà mới.
Nhận xét về chị Trịnh Thị Dung, chị Y Giang Ly - Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia H’Drai khen ngợi: Chị Dung vừa là Chi hội trưởng phụ nữ năng động, tích cực và nhiệt tình trong công tác Hội, vừa là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Tấm gương của chị Dung và mô hình kinh tế của gia đình chị được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn xem như một điển hình để giới thiệu nhiều chị em cùng học hỏi và làm theo.
Đức Thành