13/07/2017 15:03
Vừa trút những chén mủ đầy sóng sánh bên lô cao su của gia đình, anh A Huâng tâm sự, sinh năm 1972, trong một gia đình nghèo đông anh em, cuộc sống tuổi thơ khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bản thân lại học hành không đầy đủ nên trước đây, cuộc sống của anh rất vất vả. Không chịu khuất phục trước cái nghèo, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh tích cực khai hoang, tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế.
Với bản tính siêng năng chăm chỉ, lại ham học hỏi nên anh đã xây dựng cho mình kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ sản xuất ruộng nước để đảm bảo lương thực tại chỗ, anh đầu tư phát triển 3ha mì cao sản, chăn nuôi heo, bò để tăng thu nhập. Diện tích đất vườn cũng được anh tận dụng triệt để nhằm phát huy giá trị của đất đai.
Năm 2006, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gia đình anh là hộ đầu tiên của địa phương chuyển đổi diện tích đất mì bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp. Từ nguồn vốn vay của nhà nước và số tiền tiết kiệm của gia đình, anh chuyển đổi 1ha đất vườn sang trồng cao su. Nhờ bám sát hướng dẫn kỹ thuật nên diện tích cao su của gia đình phát triển tương đối tốt. Những năm sau đó anh tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi 2ha trồng mì sang trồng cao su và 1ha trồng bời lời, kết hợp chăn nuôi thêm từ 4 đến 6 con bò để tăng thu nhập.
|
Anh A Huâng nói: Mình còn trẻ, lại được nhà nước hỗ trợ về vốn vay, kiến thức, có đất sản xuất nên việc làm giàu không khó. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phải là ưu tiên hàng đầu, bởi lâu nay phương pháp sản xuất của đồng bào DTTS còn manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy giá trị của ngày công lao động đạt thấp.
Sau 7 năm tích cực vun trồng, chăm sóc, lần lượt 3ha cao su của gia đình anh được đưa vào khai thác. Thời điểm cao su có giá, nhiều hộ dân vì lợi nhuận trước mắt nên khai thác triệt để, dẫn đến chất lượng mủ đạt thấp, nhưng gia đình anh thì khác, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn nên quá trình khai thác mủ cao su đều được gia đình anh tuân thủ triệt để. Vì vậy vườn cây phát triển ổn định, sản lượng mủ của gia đình anh được các tiểu thương ở đây đánh giá là có chất lượng và cao hơn so với các gia đình khác trong thôn.
Ông Lương Thanh Ruyến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ya Xiêr cho biết: Anh A Huâng là chi hội phó Hội Nông dân làng Lung nhiều năm liền. Đây là tấm gương tiêu biểu của địa phương trong phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Sa Thầy. Trong khi nhiều gia đình còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước thì gia đình anh đã tự lực vươn lên bằng chính sức mình. 4 năm liên tục gia đình anh được công nhận là hội viên Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được các cấp, các ngành khen thưởng.
Nhờ những nỗ lực và khát vọng làm giàu, đến nay cuộc sống của gia đình anh không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn được đánh giá là gia đình có mức sống khá, giàu trong thôn. Ngoài ý chí tự lực làm giàu, gia đình anh A Huâng còn được đánh giá là tấm gương sáng trong phong trào hiếu học.
Ông A HMão - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết: Mặc dù trong thời điểm cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng 4 người con của anh đều được anh định hướng, dạy bảo học hành. Đến nay, đã có 3 người con tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng; trong đó, có 2 người đang công tác trong ngành y tế và giáo dục tại huyện Ia H’Drai.
Với những nỗ lực trên, nhiều năm liền gia đình A Huâng được chính quyền địa phương biểu dương khen thưởng, là gia đình văn hóa tiêu biểu.
Bài, ảnh: Trang Nhung