A Nga - Thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế

31/10/2019 13:01

Anh A Nga được đánh giá là một trong những thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ dám làm, có ý chí lập thân lập nghiệp. Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, anh còn tích cực giúp đỡ bà con và đoàn viên thanh niên khác cùng làm theo, góp phần tích cực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ở xã vùng sâu Đăk Tăng (huyện Kon Plông), cuộc sống còn nhiều khó khăn, ít ai có thể tin được chàng thanh niên A Nga (sinh năm 1993, ở làng Rô Xia 1, xã Đăk Tăng) lại quyết định cất đi tấm bằng Cử nhân Luật học (Đại học Đà Lạt) trở về quê hương khởi nghiệp từ đất. Với sự đam mê, cần cù, chịu khó, các mô hình phát triển kinh tế của A Nga đã dần định hình trước những lời tấm tắc thán phục của mọi người.

A Nga tâm sự: Khi biết được ý định của mình sẽ trở về quê để làm nông nghiệp, rất nhiều bạn bè, hàng xóm xung quanh đều ngờ vực. Thậm chí bố mẹ của mình cũng không ủng hộ việc mình gác lại tấm bằng đại học để trở về quê nhà đi theo con đường phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, quãng thời gian học đại học tại Đà Lạt, mình đã nhận ra niềm đam mê và nghề nghiệp thực sự mà mình muốn theo đuổi. Mình nhận ra rằng, 5 năm học đại học ở Đà Lạt không hề vô nghĩa. Đó là quãng thời gian mình được tiếp cận với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, được tiếp thu những kiến thức ban đầu cần thiết để xây dựng mô hình kinh tế của riêng mình. Qua quá trình tìm hiểu, mình đã quyết định trồng cây sâm dây để phát triển kinh tế.

Theo A Nga, trồng cây dược liệu đang rất được ưa chuộng và có nhu cầu cao trên thị trường hiện tại; đặc biệt là thổ nhưỡng tại huyện Kon Plông rất phù hợp với cây sâm dây. Mặt khác, thời gian phát triển đối với cây sâm dây chỉ khoảng 4 - 5 tháng (nếu trồng từ củ) là có thể thu hoạch, người trồng có thể sớm thu hồi vốn để tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất.

Anh A Nga (thứ hai từ phải qua) hướng dẫn mọi người kỹ thuật canh tác. Ảnh: TT 

 

Bắt đầu từ năm 2017, sau khi trở về quê nhà, công việc hàng ngày của A Nga chính là tìm hiểu thông tin qua sách vở, các kênh truyền thông, thực nghiệm, tự đúc rút kinh nghiệm chăm sóc những luống sâm dây trên 1 sào thử nghiệm của gia đình.

Đầu năm 2019, từ vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông thông qua kênh của Tỉnh đoàn, A Nga đầu tư trồng thêm 2 sào sâm dây. Sau 4 tháng chăm sóc, hơn 2 sào sâm dây của anh đã cho thu hoạch với tổng số tiền thu về trên 40 triệu đồng (còn lại 1 sào, anh chừa lại làm giống để nhân rộng mô hình). Đến nay, A Nga đã tiếp tục trồng được thêm 2 sào sâm dây nữa.

Nhìn khu vườn của mình, A Nga rủ rỉ: Việc trồng sâm dây này cũng giống như “chăm con mọn” vậy, cần phải cần mẫn và tỉ mỉ, để ý đến nó hàng ngày thì mới có năng suất cao. Để có được như ngày hôm nay, bản thân mình cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn. Những ngày đầu xây dựng mô hình, do bản thân chưa có kinh nghiệm nên cây bị bệnh, thiệt hại cũng nhiều. Trong năm đầu tiên, lợi nhuận thu được cũng chỉ bằng hoặc hơn một chút so với vốn ban đầu bỏ ra. Tuy nhiên, bản thân mình không hề nản mà tiếp tục cố gắng. Dần dà, mình tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để trồng sâm dây tươi tốt, củ sâm đạt chất lượng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Cùng với đầu tư trồng sâm dây, A Nga còn chủ động xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi giun quế. “Mình muốn xây dựng mô hình phát triển kinh tế nuôi trồng khép kín. Cụ thể, mình sử dụng phân bò để nuôi giun quế, sau đó sử dụng phân giun quế để bón cho cây sâm dây. Phân giun quế là loại phân hữu cơ thiên nhiên rất giàu dinh dưỡng và cực kỳ tốt cho cây trồng, bên cạnh đó nó còn chứa hỗn hợp vi sinh có hoạt tính cao, vậy nên có thể tăng khả năng cải tạo đất. Nhờ vậy, mình có thể bớt được chi phí về phân bón trong sản xuất. Bên cạnh đó, hiện tại, mình cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi cá chạch và lươn. Nguồn thức ăn chính cho chăn nuôi lươn, chạch cũng là giun quế. Việc vận dụng kiến thức khoa học và xoay vòng các mô hình liên hoàn, đã giúp mình giảm chi phí rất nhiều trong quá trình thử nghiệm và sản xuất. Tương lai, nếu tình hình ổn định, mình dự định sẽ xây dựng thêm mô hình chăn nuôi lợn và gà ” - A Nga chia sẻ.

Hiện tại, dù cả ngày tất bật với vườn sâm, chuồng bò, ao cá, nhưng A Nga vẫn luôn dành thời gian giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Bởi A Nga hiểu rất rõ những khó khăn của bà con dân làng và luôn mong muốn mọi người cùng có kiến thức để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Anh A Hoàn - Bí thư Huyện đoàn Kon Plông đánh giá: Anh A Nga là một trong những thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ dám làm, có ý chí lập thân lập nghiệp. Không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân, anh còn tích cực giúp đỡ về kiến thức, kỹ thuật canh tác cho nhiều bà con và đoàn viên thanh niên khác cùng làm theo, góp phần tích cực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tất Thành

Chuyên mục khác