05/01/2019 06:50
Sinh ra, lớn lên ở làng Kà Bầy, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), năm 1988, ông A Liễu lập gia đình với bà Y Ký và về lập nghiệp tại xã Sa Nhơn. Ngày mới cưới, vợ chồng không có rẫy, phải đi làm thuê cho các hộ khác để mưu sinh qua ngày. Mùa đông, hay mùa mưa, 2 vợ chồng vẫn không bỏ ngày công nào. Kiên trì đi làm vài năm, gia đình tiết kiệm chi tiêu, cũng dành được khoản tiền mua 2 ha đất canh tác, gầy dựng kinh tế gia đình.
Năm 1991, vợ chồng tích cóp tiền mua được 2 ha đất trồng cây mì. Thời gian rảnh rỗi không đi rẫy nhà, hai vợ chồng đi làm thuê ươm cây giống cao su, làm công cỏ cà phê ở huyện Đăk Hà, khu vực Thanh Trung (nay thuộc phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) để học kinh nghiệm, sau cần sẽ dùng đến. Hai vợ chồng được các chủ vườn nhiệt tình bày cho cách ươm cây giống cao su; nhà khác thì chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cà phê...
|
Năm 1993, có kinh nghiệm làm nông kha khá, ông Liễu lại bàn với vợ chuyển 2 ha đất trồng cây mì sang trồng cây cao su. Theo bà Ký, lúc đó, ở Nhơn Bình, vợ chồng bà là người đầu tiên trồng cây cao su với diện tích 2 ha. Giống cây trồng ở vườn nhà đều do gia đình tự ươm lấy. Thời gian từ 1994-2000, gia đình đi làm thuê dành dụm gần 80 triệu đồng, cộng thêm tiền vay Ngân hàng chính sách xã hội 20 triệu đồng mua thêm 2 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích lên 4 ha.
Khi 4 ha cao su cho thu nhập ổn định 250 – 300 triệu đồng/năm, A Liễu lại tỉ tê với vợ, dồn tiền mua thêm đất trồng cây cà phê, bời lời và mua 8 con bò mẹ để phát triển đàn gia súc. Qua mỗi năm chịu khó làm, mua thêm rẫy tích cóp, đến nay, tổng diện tích sản xuất của ông Liễu có 11 ha, đàn bò có 35 con. Hiện tại, đã có 8ha cao su, cà phê đang thời kỳ thu hoạch, mỗi năm gia đình thu về từ 600 -800 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí.
Năm 2007-2015, vợ chồng A Liễu đã tạo điều kiện cho 4 thanh niên thuộc diện hộ nghèo là: A Kướp, A Kách, A Cao, A Bách ăn ở tại nhà, lo cho công việc làm ổn định, truyền kinh nghiệm làm rẫy. Sau đó lần lượt các em trưởng thành, có tiền gầy dựng vốn làm ăn và lập gia đình ở riêng. Đến nay, 4 gia đình trẻ đã thoát nghèo, trong đó A Bách là hộ khá và được tuyên dương điển hình ở xã Sa Nhơn.
A Liễu còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tích cực Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sau đổi thành “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”. Ở khu dân cư có nhà mâu thuẫn, bất hòa, ông đều đến khuyên giải, tháo gỡ vướng mắc. Trường hợp không có công ăn việc làm, ông cùng vợ đến tận nhà vận động và cho mượn vốn (không tính lãi) mua phân bón, cho cây giống gieo trồng trên rẫy, ngoài vườn nhà.
Những hành động đẹp của vợ chồng A Liễu, được bà con biết, trân quý. Do đó, người dân trong thôn đã có ý thức hơn trong làm kinh tế gia đình, xây dựng mối quan hệ thôn xóm hòa thuận, ý thức cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Những năm gần đây, thôn Nhơn Bình không có người vi phạm pháp luật; nhiều gia đình được công nhận gia đình văn hóa; số hộ nghèo nay giảm còn 11 hộ.
Mai Trâm