23/06/2020 06:08
Là người có uy tín trong làng, ông A In luôn suy nghĩ, làm thế nào để người dân trong làng có được cuộc sống ổn định, không xảy ra tình trạng trộm cắp, đánh nhau; làm sao để chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, dân làng có con đường đẹp để đi lại, nuôi được con heo, con bò, trồng được lúa nước, cao su, bời lời, mì để bán kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình và vươn lên làm giàu…Nghĩ thế nào thì làm như vậy, Trưởng thôn A In phối hợp cùng các đoàn thể gặp gỡ các hộ dân có tranh chấp về đất đai, lắng nghe ý kiến của người cao tuổi trong làng, từ đó cùng các gia đình xác định làm rõ mốc giới, không vì một ít đất mà mất đi tình làng nghĩa xóm. Đối với những hộ chưa đồng tình bàn giao mặt bằng để làm đường, xây trường học, ông A In đã chủ động đến từng nhà vận động, giải thích để mọi người hiểu rõ chủ trương của Nhà nước, đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt của gia đình mà bỏ đi cái lợi lớn lâu dài, cái lợi cho thôn làng, cho con cháu sau này…
Mưa dầm thấm lâu, người dân trong làng Kleng hiểu và đồng tình ủng hộ, thậm chí có người còn hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng trường học tại làng. Đến nay các công trình đã xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng. Lợi ích thực sự đã mang lại cho mọi người và cũng mang lại niềm vui, tình đoàn kết trong làng ngày càng thắt chặt, gắn bó hơn.
|
Ông A In chia sẻ: Tôi từng làm Trưởng Ban công tác mặt trận làng 2 nhiệm kỳ liên tục, giờ được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn nên tôi rất hiểu hoàn cảnh của từng gia đình bà con nơi đây. Trước đây, hầu hết người dân ở làng Kleng đều quen với cuộc sống phát đốt, chọc tỉa nên mỗi năm đều phải du canh bỏ rẫy cũ, tìm rẫy mới, cuộc sống không ổn định, nhiều gia đình thường xuyên phải rơi vào cảnh thiếu ăn. Nhận thấy việc canh tác lúa nước năng suất đạt gấp nhiều lần so với lúa rẫy, chính vì vậy, bản thân tôi tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong làng chuyển sang trồng lúa nước và đề nghị chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa nước cho người dân. Tuy nhiên, để người dân nghe và làm theo không thể chỉ tuyên truyền, vận động suông, mà mình phải là người làm gương trước cho bà con thấy. Mùa thu hoạch lúa nước đầu tiên năm ấy, thấy mình chở lúa về chất đầy nhà, nhiều bà con đã đến chia vui, học hỏi rồi dần dần làm theo.
Nhờ việc trồng lúa nước mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với việc trồng lúa rẫy, nên đời sống của người dân trong làng Kleng đã dần ấm no hơn. Đất rẫy trước đây trồng mỳ đã nhiều năm bạc màu, xói mòn dần, nhưng không vì thế mà để đất bỏ hoang, A In tiếp tục vận động bà con trồng cây cao su, cà phê, bời lời, nhờ thế sau khi thu hoạch, nhiều gia đình trong làng đã có của ăn, của để, cuộc sống từng bước đi lên rõ rệt.
Thế nhưng, những năm gần đây là do giá mủ cao su xuống thấp nên nhiều bà con trong làng Kleng muốn phá bỏ cao su để trồng mì. Nắm được điều này, ông A In đã tổ chức họp dân làng tại nhà rông và đến tận nhà từng hộ dân trồng cao su tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân không chặt phá vườn cây cao su và đề nghị các hộ trồng cây cao su cam kết không chặt phá bỏ vườn cây. Với vai trò và uy tín của mình, nên những lời A In nói ra đều được bà con trong làng nghe và thực hiện, không phá bỏ vườn cây.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông A In cho biết: Muốn được bà con dân làng tiếp cận các thông tin mà mình tuyên truyền, thì mình phải giải thích những cái lợi, cái không lợi để người dân hiểu. Bên cạnh đó, mình cũng phải biết chọn thời điểm phù hợp để tuyên truyền và phải nghiên cứu, hiểu biết pháp luật để không nói sai với chủ trương. Quan trọng nhất là bản thân và gia đình phải phải đi đầu, làm gương để dân làng thấy, tin, học tập và làm theo.
Không chỉ là người luôn nhiệt tình và hăng hái với công việc chung của thôn làng, ông A In còn là người làm kinh tế giỏi. Cách đây hơn 10 năm về trước, khi người dân trong làng còn rất nhiều khó khăn thì gia đình ông đã có một cơ ngơi khang trang, thu nhập ổn định với gần 10 sào ruộng lúa nước, hơn 3 ha mỳ, 10 ha cao su và bời lời…mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Có thể nói, với uy tín và ý thức trách nhiệm của mình, ông A In không chỉ góp phần giáo dục đạo đức lối sống mà còn giúp đồng bào dân tộc nơi đây từng bước đẩy lùi những hủ tục, phát triển kinh tế gia đình, tham gia xây dựng mối đoàn kết ở khu dân cư và xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bảo Châu