25/09/2016 14:00
Lập gia đình năm 1997, vợ chồng A Hương chỉ có sức lao động là vốn liếng. Quyết tâm vươn lên, vợ chồng cần mẫn khai hoang được 2 sào ruộng nước, 6ha rẫy; rồi nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty Nguyên liệu giấy hay làm thuê cho các gia đình khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
|
Được địa phương tạo điều kiện, A Hương tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn đầu tư mua 5 con bò sinh sản.
Kinh tế gia đình dần ổn định, tuy nhiên, anh nghĩ chỉ trông chờ vào cây lúa, cây mì chưa đủ, kinh tế chưa thực sự bền vững. Do đó, năm 2002, khi địa phương triển khai mô hình trồng cao su trên địa bàn và được tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, anh tập trung tất cả số vốn tiết kiệm, chuyển diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng 3ha cao su.
Thời điểm đó, gia đình anh là 1 trong 5 gia đình đầu tiên của xã Rờ Kơi trồng loại cây công nghiệp này. Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mở ra một hướng đi tốt đẹp cho gia đình anh.
Theo tính toán của anh, từ nguồn thu nhập 3ha mì, 2 sào ruộng nước, và làm thêm một số công việc khác, trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập được 60 triệu đồng. Hiện nay, anh đã có trong tay cơ ngơi khang trang với căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng. Ngoài diện tích mì, lúa nước kể trên, gia đình anh còn 4ha cao su đang trong thời kỳ kiến thiết, chỉ 2, 3 năm nữa sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn.
Không chỉ tự vươn lên làm giàu cho mình, anh A Hương luôn sẵn sàng giúp đỡ các gia đình nghèo, gia đình gặp khó khăn trong thôn bằng cách cho vay vốn không lấy lãi hoặc trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế của mình mà không đòi hỏi một yêu cầu gì. Anh chia sẻ, “ở hiền thì gặp lành”, ngày xưa mình cũng phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn, bây giờ kinh tế đã khá giả, mình phải giúp đỡ người nghèo trong thôn, làng chứ.
Đến nay, anh A Hương đã cho 15 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các gia đình nghèo cách tính toán làm ăn. Nhiều gia đình nhờ anh giúp về vốn, kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật đã thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu như hộ ông A Hlai, A Dương, A Na, A Sơn...
Anh chia sẻ: Trong thời gian tới, khi diện tích cao su bước vào mùa thu hoạch sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Không chỉ nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, với trách nhiệm của tuổi trẻ anh còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ bí thư chi đoàn, rồi tổ trưởng tổ an ninh của làng Kram. Anh A Hương thật xứng đáng với lời nhận xét là tấm gương sáng để mọi người học tập, làm theo.
Trang Nhung