A Hiếu - Từ cậu bé mồ côi trở thành tỷ phú

04/02/2018 07:03

​Ngày 14/10/2017, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”. A Hiếu (sinh năm 1970, dân tộc Ba Na, thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) là đại diện duy nhất của tỉnh Kon Tum trong số 87 nông dân xuất sắc ấy.

Tôi trở lại thôn Kon Gung thăm A Hiếu sau 4 năm, trông anh già dặn hơn trước đây rất nhiều. Tuy đã đặt lịch hẹn gặp nhau từ trước, nhưng khi đến nơi, anh luôn tất bật với công việc, điện thoại ai đó cứ gọi liên hồi. A Hiếu than thở: Công việc cuối năm bận bịu quá, anh thông cảm cho tôi…

A Hiếu mồ côi cha từ năm 2 tuổi. 5 năm sau, mẹ lấy chồng khác, anh ở với 2 chị gái. Cuộc sống khó khăn, anh vừa đi học, vừa đi làm rẫy nhưng cuộc sống vẫn không vượt qua được cái đói, cái nghèo. Nhiều khi không có gạo ăn, mấy chị em phải ăn khoai lang, khoai mì, rau rừng để thay cơm. Học xong lớp 5, anh quyết định nghỉ học để dành thời gian chăm lo cuộc sống của bản thân và gia đình.

Với diện tích đất canh tác 2ha do cha mẹ để lại, A Hiếu cùng 2 chị gái gieo trồng một số loại cây như mì, bắp, lúa rẫy, bời lời.

“Hồi đó, chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Với lại, gia đình mình cũng chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như bây giờ nên năng suất cây trồng rất thấp. Làm lụng quanh năm suốt tháng, từ năm này sang năm khác nhưng vẫn không đủ ăn, cái nghèo cứ đeo bám mình mãi…” – A Hiếu bồi hồi nhớ lại.

Rồi 2 chị gái cũng lần lượt lấy chồng, ở riêng, một mình A Hiếu phải cố gắng bươn chải mưu sinh để chăm lo cuộc sống của bản thân. Suy nghĩ, trăn trở, A Hiếu vứt bỏ mọi mặc cảm, tự ti, đến các nông trường cà phê, cao su trên địa bàn huyện Đăk Hà để học hỏi kinh nghiệm, vừa tìm đọc sách kỹ thuật nông nghiệp, vừa tự học tin học để có thể lên internet tìm kiếm kiến thức, thông tin nhiều hơn.

Mặt khác, anh đăng ký theo học các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất do Sở và Phòng NN&PTNT huyện tổ chức tại địa phương; đăng ký đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế ở một số nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi làm theo.

Nắm vững kiến thức, cách làm nhưng không có vốn để đầu tư. Năm 1994, anh là người DTTS đầu tiên ở thôn Kon Gung dám vay vốn ngân hàng để trồng 8 sào cà phê.

A Hiếu trò chuyện cách làm kinh tế cùng lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Q.Đ

 

“Lúc đó, mọi người trong thôn bảo tôi là thằng khùng, dám vay ngân hàng mấy chục triệu đồng để đầu tư trồng cà phê. Nếu làm không được thì lấy đâu tiền để trả nợ vay cho Nhà nước…” – A Hiếu bày tỏ.

Gác bỏ mọi lời bàn tán của người dân trong thôn, vượt qua các rào cản và những định kiến đã tồn tại từ bao đời nay trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, anh quyết tâm, nếu có ý chí và nghị lực thì việc gì mình cũng làm được.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, anh trồng xen các loại cây ngắn ngày như đậu, đỗ, mì trên cùng một diện tích đất trồng cao su, cà phê; nuôi thêm đàn heo, gà, vịt.

Sau vài năm đầu vất vả, đến năm 1996, mùa thu bói cà phê đầu tiên của 8 sào cà phê, anh có trong tay trên 100 triệu đồng. “Số tiền lớn này có nằm mơ tôi cũng không thể nào nghĩ tới. Nhưng hiện nay đã có được, chứng tỏ cách làm của mình đi đúng hướng. Bà con trong làng ai cũng trầm trồ khen ngợi” – A Hiếu chia sẻ.

Ở làng Kon Gung đất chật người đông, không còn đất để mở rộng sản xuất. A Hiếu quyết định qua bên kia sông Pô Kô vì đất ở xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) còn nhiều. Anh thuê nhân công khai phá các vườn đồi còn hoang hóa mà người dân địa phương không làm; đồng thời, mua thêm mấy héc ta đất màu mỡ để trồng cây cà phê.

Chăm chỉ làm lụng, chi tiêu tiết kiệm, dành tiền tích lũy được để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đến nay, A Hiếu đã thành công hơn mong đợi, từ một cậu bé mồ côi trở thành một tỷ phú. Tài sản cố định của anh hiện có tới vài tỷ đồng với 7ha cà phê, 2ha cao su, 5 sào lúa nước 2 vụ, 1ha cây bời lời; chăn nuôi 4 con bò và đàn gà, vịt… cho thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, tài sản của anh còn có 1 máy tưới nước, 2 xe máy cày và máy kéo; 4 chiếc phà vận chuyển người, hàng hóa, phương tiện qua lại trên sông Pô Kô (trị giá trên 3 tỷ đồng) thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Chiếc phà trị giá hơn 1 tỷ đồng của nông dân A Hiếu. Ảnh: Q.Đ

 

Có được sự thành công như ngày hôm nay, anh không quên ơn những người đã từng cưu mang, giúp đỡ; trong đó có cả cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở địa phương và những người dẫn đường, chỉ lối cho anh trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Anh đã từng hiến 1ha đất để Nhà nước cấp cho người dân trong làng làm nhà tái định cư, ổn định cuộc sống; tạo việc làm thường xuyên cho 18 người, giải quyết việc làm thời vụ cho 350 người; hỗ trợ nhiều hộ nghèo trong thôn về lương thực, cây giống, con giống và tiền không lấy lãi trị giá trên 200 triệu đồng, tạo điều kiện giúp đỡ cho trên 10 hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Hiện tại, gia đình A Hiếu đã xây dựng ngôi nhà khá khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. 4 người con của anh đều học tốt, chăm ngoan, hiếu thảo. Cuộc sống của gia đình anh đã đủ đầy, hạnh phúc.

                                                                                  Quang Định

Chuyên mục khác