11/06/2018 07:00
Trên con đường đất nhỏ, gồ ghề, chúng tôi đến nhà anh A Đông ở thôn Đăk Nu, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô. Trò chuyện, biết đến những đóng góp của anh trong thôn, chúng tôi mới hiểu được, vì sao anh được chọn là 1 trong 7 gương mặt đại diện của tỉnh tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa qua tại Hà Nội.
Anh chia sẻ: Với tôi, đó là niềm vinh dự lớn lao, bởi vừa có thể học hỏi thêm nhiều cái mới, vừa có thể thấy được đời sống của người dân nơi khác như thế nào, để còn đặt mục tiêu mà phấn đấu.
|
Trong năm 2017 vừa qua, anh A Đông đã hiến 3 sào đất trồng 100 cây cao su để xây dựng trường học mới và đường đi mà không hề đòi hỏi tiền bồi thường. Anh tâm sự: Tiếc thì cũng có tiếc thật, nhưng mình phải biết nhìn xa hơn, tính lợi ích lâu dài. Đời mình đã khổ rồi, không lẽ đời con cái sau này cũng khổ, phải biết phấn đấu làm sao cho đời con cái sau này được tốt hơn, ổn định hơn. Mà để làm được điều đó, thì phải biết cái chữ mới làm ăn, phát triển kinh tế được. Từ khoảnh đất nhà mình, xã dùng để xây trường học, mình rất phấn khởi. Bởi, con em sau này đi học, không phải đi xa nữa!
Ngoài hiến đất để xây dựng trường học, đường đi cho thôn, trong nhiều năm qua, với vai trò là thôn đội trưởng của thôn, anh là người đi đầu trong việc kêu gọi, vận động, mọi người trong thôn tích cực xây dựng nông thôn mới. Tấm lòng và sự nỗ lực của anh được bà con dân làng tin tưởng, nghe theo.
Anh luôn tâm niệm, để bà con tin và nghe theo thì trước hết mình phải là tấm gương sáng. Không chỉ giỏi tuyên truyền, vận động bà con, tiên phong trong hiến đất xây dựng đường sá, trường học, anh A Đông còn là tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, có ý chí làm giàu. Bắt đất đẻ ra tiền, anh quyết tâm làm mô hình trồng mì, cây cao su, cây điều để tạo thêm thu nhập.
Khi xác định trồng cao su, điều, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do xã tổ chức để có kiến thức. Ngoài ra, anh còn tìm tòi, nghiên cứu thêm qua tivi, sách vở...
Dẫn chúng tôi ra vườn cao su, anh tỉ mỉ quan sát từng cây trong vườn. Anh nói: Với 1,3ha, tôi đang trồng 300 cây cao su tại đây, nhờ nó mà mỗi năm tôi thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng. Trồng cây cao su nhìn như vậy chứ thực ra rất khó, phải chăm sóc sao cho đúng kĩ thuật mới thu lại được chất lượng mủ cao. Tôi định trong năm nay, sẽ trồng thêm 2ha cao su nữa.
Khởi điểm, anh A Đông bắt đầu từ trồng mì. Tuy nhiên, thấy thu nhập không cao, chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm nên anh quyết định chia đất ra để trồng cao su. Hiện tại, anh vẫn đang trồng 1,3ha mì.
Ngoài ra, qua tìm hiểu thông tin, anh A Đông biết được, cây điều cho thu nhập rất cao. Vì vậy, anh đang thử nghiệm trồng 200 cây điều đầu tiên trên diện tích khoảng 8 sào.
Loay hoay với công việc của thôn và tập trung phát triển mô hình kinh tế của mình, anh A Đông hầu như không có thời gian rảnh. Ấy thế nhưng khi có thanh niên trong thôn đến tham quan, học tập thêm kinh nghiệm, anh hướng dẫn và chỉ bảo họ tận tình. Ngoài ra, anh còn giải quyết việc làm cho bà con vào các dịp thời vụ. Qua những lần thuê bà con trong thôn, xã đào hố, chăm sóc cây trồng…, trong quá trình làm việc, anh chỉ dạy tận tình về các kiến thức, kĩ thuật trồng cây. Nhờ sự hướng dẫn của anh, tại thôn Đăk Nu, một số hộ đã thành công trong việc tự xây dựng mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Ông A Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ nhận xét: Anh A Đông là một trong những tấm gương tiêu biểu trên địa bàn xã. Có ý chí vươn lên với các mô hình sản xuất nông nghiệp; tiên phong hiến đất xây dựng trường học, đường sá; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… anh A Đông đã góp phần tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại thôn Đăk Nu. Đặc biệt, tinh thần vì cộng đồng, nghị lực vươn lên của anh A Đông có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nói cách khác, bà con trong thôn, trong xã nhìn vào sự nỗ lực của anh, cũng tự buộc mình phải có tinh thần và trách nhiệm trong việc góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tất Thành