Xã Đăk Ui: ​Dấu ấn trong phát triển kinh tế

29/08/2016 07:46

​Những vườn cà phê quả sai cành, những cánh đồng xanh tươi thấp thoáng cánh cò bay lượn, những ngôi nhà mới mọc lên dọc theo những tuyến đường bê tông uốn lượn theo triền đồi… điểm tô nông thôn mới xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) thêm sự quyến rũ và sức sống mới.

Diện kiến đồng ruộng 7 tấn/ha

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ngô Hồng Hưng nói rằng, xã Đăk Ui không nằm trong diện xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, đến nay xã mới đạt 8 tiêu chí NTM và phấn đấu đến cuối năm 2016 đạt thêm 3 tiêu chí NTM. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, xã đang tạo điều kiện cho người dân các tổ hợp tác phát triển sản xuất. Bước đầu, xã đã xây dựng được cánh đồng có năng suất lúa bình quân đạt 7 tấn/ha ở thôn 7B.

Cánh đồng 7 tấn lúa ha ở thôn 7B. Ảnh: V.N

 

Để kiểm chứng, chúng tôi cùng ông Hưng đến đồng ruộng thôn 7B. Cây lúa trên đồng ruộng đang kỳ đẻ nhánh, xanh rờn. Vẫn đất dốc, nhưng đồng ruộng được cải tạo thành các đám ruộng to theo thế đất, không có các ô ruộng nhỏ như thường thấy như ở nhiều nơi. Trên đồng ruộng, có hệ thống mương nước tưới tiêu thuận lợi.

Cũng không như ở một số vùng đồng bào DTTS khác mà tôi thường thấy nước được dẫn vào ruộng chảy tràn lan, ở đây nước được lấy theo nhu cầu phát triển cây lúa nên phân bón không bị rửa trôi, cây lúa sinh trưởng tốt. A Sanh- Bí thư Chi bộ thôn 7B cho biết: Tổ hợp tác sản xuất lúa nước và cà phê ở thôn có 20 hộ. Tham gia tổ hợp tác, bà con vần công, đổi công cho nhau. Việc sản xuất không mạnh ai nấy làm mà được bà con bàn bạc, lên phương án sản xuất với nhau ở từng khâu như cày ải, lựa chọn giống, thời gian ngâm giống, gieo sạ, lấy nước, rút nước, phun thuốc, bón phân… theo quy trình và đồng loạt.

“Người dân nắm kỹ thuật sản xuất, bón phân và đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ đông xuân thôn 7B đạt 6-7 tấn/ha. Quan niệm bón phân làm bẩn cây lúa, Giàng phạt đã trở thành cổ tích”-A Sanh quả quyết.

Khai thác lợi thế, phát huy tiềm năng

Không chỉ làm lúa giỏi, người dân ở thôn 7B còn giỏi chuyên canh cà phê. Trên các sườn đồi dọc theo cánh đồng 7 tấn/ha là những vườn cà phê sum suê xanh tốt, quả vây đầy cành. A Sanh khoe, ở thôn 7B có gần 80ha cà phê và có trên 60% số hộ trồng cà phê. Nếu như cây lúa giúp người dân ổn định lương thực, thì cây cà phê giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu.

Trao đổi với tôi, A Hạnh-chủ nhân căn biệt thự xinh xắn ở thôn 7B tự hào: Gia đình mình xây căn nhà này hơn 600 triệu đồng từ tiền tiết kiệm bán cà phê. Ở xã Đăk Ui, các hộ gia đình có cuộc sống khá giả đều nhờ cà phê, bời lời và chăn nuôi trâu, bò.

Ông Phạm Công Lực- cựu chiến binh ở thôn 8 khẳng định: Ở xã Đăk Ui người dân biết phát huy thế mạnh ở địa phương để sản xuất cà phê, bời lời và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng, vật nuôi hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, nguồn thu giúp cho các hộ khá giả là cà phê, bời lời và chăn nuôi bò. 50% số hộ gia đình khá giả ở thôn 8 là nhờ các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên.

Để tìm hiểu thêm, tôi vào thăm một gia đình có cơ ngơi bề thế ở thôn 8 là ông Phạm Văn Hạnh. Ông Hạnh tâm sự, biết phát huy lợi thế trong sản xuất, vùng đất Đăk Ui không phụ công người. Từ hai bàn tay trắng đến đây lập nghiệp, nay ông trồng được 4ha cà phê, xây dựng 1 cơ sở xay xát lúa. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 150 triệu đồng/năm.

Ở xã Đăk Ui, việc các hộ gia đình phát huy thế mạnh trong sản xuất (trồng cà phê, bời lời, chăn nuôi trâu, bò), xây dựng NTM trở thành hộ khá giả điển hình như hộ A Thọ, A Bổi (thôn 7B), Đoàn Văn Nhẩn, Nguyễn Văn Bồn, Lê Văn Bảy, Đoàn Văn Năm, Nguyễn Văn Dũng, Phan Văn Hận, Nguyễn Thị Là (thôn 8)… có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm rất nhiều.

Theo Chủ tịch UBND xã Ngô Hồng Hưng, ngoài “thiên thời, địa lợi”, việc xã có nhiều hộ sản xuất giỏi còn là nhờ người dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất ở các tổ hợp tác. Tính đến thời điểm này, xã Đăk Ui đã xây dựng nhiều tổ hợp tác như: Tổ hợp tác chăn nuôi gia súc thôn 3, Tổ hợp tác sản xuất lúa nước thôn 1A, Tổ hợp tác sản xuất lúa nước và cà phê thôn 2, 5B và 7B. Để khuyến khích các tổ hợp tác phát triển, xã hỗ trợ vật liệu làm chuồng nhốt gia súc tập trung, hỗ trợ chế phẩm sinh học, phân bón và chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Nhờ vậy, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 21 triệu đồng.

Mặc dù xã Đăk Ui tạo dựng được những dấu ấn trong xây dựng NTM, nhưng theo lời ông Hưng, do nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM có hạn, các tuyến đường liên thôn 3, 4, 5B vẫn chưa được bê tông; hệ thống điện ở thôn 2, 3, 4 ở xã vẫn còn điện 1 pha đang cần được đầu tư nâng cấp điện 3 pha để phát triển sản xuất.

“Nếu Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư bê tông hóa các tuyến đường liên thôn và nâng cấp hệ thống điện ở các thôn trên thì xã Đăk Ui có điều kiện phát triển mạnh hơn và mục tiêu đến năm 2020 đạt NTM theo nghị quyết địa phương đề ra sẽ có cơ sở trở thành hiện thực”-ông Hưng tự tin khi nghĩ về tương lai tốt đẹp.    

                                                                   Văn Nhiên

Chuyên mục khác