Từng bước hiện đại hóa công nghệ khai thác khoáng sản

15/09/2016 09:48

Thực hiện mục tiêu đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai thác khoáng sản, từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương đã tích cực triển khai Đề án "Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025".

Với sự triển khai sâu rộng của ngành Công thương cùng với sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, đến nay tại các mỏ trên địa bàn tỉnh đã áp dụng rộng rãi việc cơ giới hóa trong khai thác, giảm tối đa lao động thủ công, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng triệt để tài nguyên...

Theo đánh giá của Sở Công thương, nguồn tài nguyên khoáng sản ở Kon Tum rất đa dạng, phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, các loại khoáng sản lại có trữ lượng không lớn và phân bố tản mạn, không có các điểm tập trung. Chính vì vậy, cho đến nay các doanh nghiệp cũng chỉ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực khai thác khoáng sản đá, cát, sạn sỏi và sét làm vật liệu xây dựng thông thường.

Toàn tỉnh hiện có 37 điểm mỏ nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh cho phép đấu giá quyền khai thác; trong đó, có 27 điểm mỏ khai thác cát sỏi, 8 điểm khai thác đá và 2 điểm khai thác sét làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 177 điểm mỏ sẽ được đưa vào khai thác.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của tỉnh đã có những bước phát triển tương đối rõ nét. Sản lượng khai thác ngày càng nhiều hơn, chủng loại cũng đa dạng hơn và từng bước có đóng góp quan trọng, tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đáng chú ý là một số hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đá với tổng công suất khoảng 948.799m3/năm, cát với tổng công suất 210.112m3/năm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nguyên liệu cho các dự án xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện...; khoáng sản sét cung ứng đủ cho sản xuất gạch, ngói.

Dây chuyển sản xuất gạch không nung của Công ty Tân Hưng được Sở Công thương hỗ trợ một phần vốn. Ảnh: TH

 

Trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, trong những năm qua, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có những chuyển biến mạnh mẽ nhất, các doanh nghiệp đã đi đầu trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào việc khai thác.

Hiện nay, các mỏ khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã triển khai áp dụng công nghệ phá vỡ đất đá tiên tiến như sử dụng các loại máy xới làm tơi đất đá, hoặc máy xúc có răng gầu tích cực, lực xúc lớn để giảm thiểu công tác nổ mìn, giảm ô nhiễm môi trường; áp dụng triệt để công nghệ nổ mìn giảm chấn động bằng phương pháp nổ mìn vi sai.

Đặc biệt, các đơn vị khai thác đã thay thế các thiết bị khoan xoay cầu đã cũ bằng các thiết bị khoan đập xoay thủy lực; sử dụng công nghệ búa đập thủy lực để phá đá quá cỡ, loại bỏ hoàn toàn việc phá đá quá cỡ bằng nổ mìn để hạn chế tiếng ồn và mảnh đất, đá văng xa. Các đơn vị đã thay thế các dây chuyền chế biến khoáng sản cũ bằng các dây chuyền chế biến hiện đại tiết kiệm năng lượng và có năng suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để có những đổi mới này, cùng với sự tích cực đầu tư của các doanh nghiệp thời gian qua, ngành Công thương cũng đã có những chính sách hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp trong việc đổi mới trang thiết bị công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản.

Từ năm 2013 đến nay, Sở Công thương đã thực hiện hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng cho các đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung. Đồng thời, hàng năm, ngành Công thương cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về kiến thức, quy trình sản xuất sạch hơn công nghiệp, an toàn lao động...

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới và hiện đại hóa công nghệ khai thác khoáng sản, ngành Công thương đã đề ra những định hướng chung cho các doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào hoạt động khai khoáng. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng năng lực hiện có; đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để đổi mới, hiện đại hóa công nghệ; quan tâm đúng mức tới việc sử dụng tổng hợp và triệt để tài nguyên khoáng sản, nhất là tận dụng các phế phẩm sau khi chế biến sản phẩm chính để chế biến các sản phẩm phụ khác.

Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ vận động và tăng cường quản lý các doanh nghiệp trong lựa chọn thiết bị, công nghệ, phải ưu tiên loại mới theo hướng đảm bảo năng suất cao, ít tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường sinh thái; đặc biệt, đối với những cơ sở mới tham gia khai thác, các điểm mỏ mới, yêu cầu bắt buộc phải áp dụng ngay từ đầu công nghệ hiện đại, có trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, nâng cao tối đa mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất, áp dụng các hệ thống khai thác, chế biến hợp lý để giảm thiểu tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường đối với các mỏ mới xây dựng có quy mô vừa và nhỏ...

Có thể nói, với những phần việc đã thực hiện được trong thời gian qua, cùng với những giải pháp quyết liệt, tích cực của ngành Công thương, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, công nghiệp khai thác khoáng sản của tỉnh tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác