21/09/2024 13:18
Hiểu rõ giá trị mà rừng tự nhiên mang lại, nhất là lợi ích về kinh tế thông qua việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng, Hợp tác xã Dược liệu Du lịch Ngọc Linh H80 (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cùng người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Chị Nguyễn Thị Anh Nữ- Phó giám đốc HTX chia sẻ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng sản xuất phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định, do vậy, ở xã Măng Ri, chị và người dân đều hiểu phải bảo vệ rừng mới có môi trường để trồng cây dược liệu.
Hợp tác xã Dược liệu Du lịch Ngọc Linh H80 được thành lập vào năm 2022 với mục tiêu phát triển nghề trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong vùng. Ðến nay, hợp tác xã có trên 180 thành viên, trong đó, tại xã Măng Ri, hợp tác xã đang liên kết với gần 10 hộ dân phát triển cây sâm Ngọc Linh.
|
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Măng Ri đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng cây dược liệu, trong đó có trồng cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã cũng liên kết và hỗ trợ các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh. Hiện nay, các hộ mạnh dạn vay vốn và tham gia liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang, đời sống khá giả và ổn định.
Ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho hay, hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ðăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư các thôn trên địa bàn xã. Với việc khoán bảo vệ rừng như vậy, người dân ở các thôn vừa hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vừa được tạo điều kiện trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
“Người dân được hưởng lợi từ rừng nên đã tích cực bảo vệ rừng hơn. Một số hộ dân còn tự đầu tư kinh phí để trồng rừng”, ông Trí chia sẻ.
Tại xã Tu Mơ Rông, hợp tác xã Dược liệu du lịch Forest Stay ở thôn Ðăk Chum 1 có diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 10ha. Diện tích đất này, hợp tác xã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, như mắc ca, dâu tây, cây ăn quả, sâm dây và sâm Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn- Giám đốc hợp tác xã Dược liệu du lịch Forest Stay cho biết, gia đình ông đã trồng thêm các loại cây rừng trên diện tích đất giáp ranh với lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ðăk Tô để tạo thêm tán rừng giúp cây dược liệu phát triển tốt.
Ông Bùi Văn Khiêm- Kiểm lâm địa bàn xã Tu Mơ Rông cho hay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ban ngành trên địa bàn xã thường xuyên tuyên truyền kết hợp hướng dẫn bà con trong phát triển dược liệu dưới tán rừng gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Qua công tác tuyên truyền, bà con đã hiểu và thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, chỉ phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, không có hành vi xâm hại rừng.
|
Huyện Tu Mơ Rông hiện có trên 53.700ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng trên 67%. Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Tu Mơ Rông đã trồng được trên 2.877ha sâm Ngọc Linh (trong đó, người dân trồng hơn 90ha) và trên 122ha cây dược liệu khác.
Ông Võ Minh Văn- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông chia sẻ, chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đã được người dân trên địa bàn huyện ủng hộ vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Công tác quản lý, bảo vệ rừng để trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng được nhiều người dân quan tâm.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong huyện triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu dưới tán rừng, trong đó, có sâm Ngọc Linh. Lực lượng kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và quản lý, bảo vệ tốt đất rừng ở địa phương.
Ðức Thành