09/11/2016 18:14
Hai năm nay, mỗi một năm, ông Thành xuất ra thị trường 1.000 con heo, tương đương 100 tấn thịt. Mỗi năm 3 đợt xuất, trừ các chi phí, ông lời khoảng 500 triệu đồng. Ông bảo, trước đây ông đã phát triển chăn nuôi heo trong mô hình tổng hợp: trồng cà phê, cao su, tiêu, nuôi cá, ba ba, chăn nuôi heo… nhưng khi ấy nuôi heo chỉ là “phụ họa”. Thời gian trở lại đây, ông đầu tư mạnh cho việc nuôi heo.
|
“Ngoài lợi nhuận bán heo thịt tôi còn sử dụng được phân chuồng để chăm sóc cho cà phê, tiêu. Thức ăn cho heo dư thừa, tôi lại sử dụng để nuôi cá. Suy nghĩ nhiều đường lợi nên tôi mới xác định heo là mũi nhọn chính trong kinh tế của gia đình tôi hiện nay” – ông Thành chia sẻ.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, ông Thành đã tính toán rất kĩ, nhất là về nguồn giống và thức ăn. Ông khẳng định, từ nguồn giống đến thức ăn và cả thuốc cho heo đều được lấy từ nhà máy nên heo của ông tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm, không lo sử dụng cám tăng trọng, chất tạo nạc… “Các lò mổ rất chuộng heo ở đây nên thường xuyên đến đăng kí mua trước khi tôi xuất cho công ty” – ông Thành cho biết.
Từ lợi nhuận mang lại, năm 2016, cùng với việc nuôi 50 con heo thịt, ông Thành bắt đầu chuyển sang nuôi heo giống để tự cung nguồn giống cho mình. Ông đầu tư chuồng trại theo công nghệ hiện đại, sạch sẽ, đảm bảo phòng chống dịch bệnh tốt. Cùng với đó, ngoài việc được công ty hỗ trợ 1 công nhân kĩ thuật, ông cũng thuê thêm 2 nhân công để đảm bảo việc nuôi heo chất lượng. Chuẩn bị đầy đủ, ông thả nuôi 125 con nái. Và đầu tháng 10, đàn nái đã bắt đầu đẻ.
Không dừng lại ở 125 con nái, dự định trong năm 2017, ông tiếp tục nâng lên thành 500 con nái. Từ việc muốn nuôi nái để cải thiện đàn giống heo trong gia đình, đến nay, ông Thành xác định đi vào cung cấp giống cho thị trường để thay đổi giống cho địa phương.
Ngoài việc phát triển kinh tế, ông cho biết còn muốn giúp bà con trong huyện nói riêng và các nơi nói chung đến học hỏi, phát triển chăn nuôi heo theo công nghệ mới để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông bảo, sau khi việc nuôi heo đi vào ổn định, ông đặt ra mục tiêu mỗi năm sẽ cho từ 5-10 hộ mượn con giống để phát triển kinh tế. “Tôi sẽ cho mượn heo nái, sau khi heo đẻ được lứa đầu, bà con sẽ trả lại giống cho tôi. Tôi nghĩ cách làm đấy sẽ giúp bà con khó khăn phát triển được việc chăn nuôi cũng như đầu tư, học hỏi được kĩ thuật trong chăn nuôi” – ông Thành chia sẻ.
Ngoài nguồn lợi nhuận của chăn nuôi heo, bình quân mỗi năm ông Thành còn lời khoảng 400-500 triệu từ 4ha cà phê, 0,5ha tiêu, 4ha ao hồ. Nguồn thu của ông sẽ tăng đáng kể khi 28ha cao su trong thời gian ngắn nữa cho thu hoạch. Mỗi năm, ông cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động chính và tạo 1.500 công thời vụ cho bà con trong xã, trong huyện.
Từ những lợi nhuận trong phát triển kinh tế, ông Thành luôn tích cực đóng góp trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vừa qua, trong đợt hạn hán, ông đã góp sức cùng các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình nước sạch ở 2 thôn Đăk Long và Đăk Giao. Ông còn đi đầu trong việc đóng góp, giúp các hội viên hội cựu chiến binh thôn Ngọc Thư có điều kiện để phát triển kinh tế.
Ông Thành chia sẻ kinh nghiệm: Mũi nhọn phải chọn đúng cách, phải suy nghĩ, đánh giá thị trường, tìm đầu ra ổn định rồi mới phát triển chứ không thể thích thì làm. Muốn sản xuất, trồng trọt cây, con gì đều phải tính toán kĩ càng, chuẩn bị thật tốt rồi mới đưa vào sản xuất. Phải làm từ nhỏ đến lớn để đề phòng rủi ro xảy ra.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và giúp đỡ mọi người, vừa qua, ông Thành đã được bình chọn tham dự Hội nghị biểu dương, khen thưởng, động viên cựu chiến binh có thành tích xuất sắc trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững do Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức.
Bình An