06/05/2016 08:55
|
Đồng chí Đào Xuân Quí - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Dự họp có đồng chí Nguyễn Hữu Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo; các thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của Cục Thuế Kon Tum, tính đến ngày 31/3/2016, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 339,15 tỷ đồng (bao gồm nợ thuế năm 2015 chuyển sang và nợ thuế phát sinh trong 3 tháng đầu năm 2016), tăng hơn 15 tỷ đồng so với nợ thuế thời điểm cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 16,2% trên tổng dự toán thu NSNN năm 2016 do HĐND tỉnh giao. Trong đó, tổng số nợ thuế có khả năng thu là 140,12 tỷ đồng, chiếm 41,3% tổng nợ; tổng số nợ thuế khó thu là hơn 198,94 tỷ đồng, chiếm 58,7% tổng nợ.
Nguyên nhân dẫn đến nợ đọng thuế lớn được nhận định là do tình hình hoạt động SXKD của doanh nghiệp gặp khó khăn, để duy trì sản xuất đã cố tình chiếm dụng tiền thuế của nhà nước để làm vốn, chấp nhận bị tính tiền nộp chậm; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hoá, hàng tồn kho lớn, nên đã cố tình chiếm dụng tiền thuế; một số doanh nghiệp phá sản trong khi có số nợ lớn; một số đối tượng nộp thuế bị tính tiền chậm nộp thuế trên số tiền nợ, dẫn đến tổng nợ tăng...
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện các sở ngành liên quan đã thảo luận, tham gia ý kiến và đề xuất các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế trong thời gian đến.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đào Xuân Quí chia sẻ những khó khăn mà các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo đã gặp phải trong công tác thu hồi nợ đọng thuế. Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm nay giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với tổng thu NSNN năm 2016, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ và chống thất thu ngân sách. Trong đó, cần chú ý nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thuế; nắm chắc nguồn thu ở từng địa bàn, từng lĩnh vực; phân loại rõ các khoản nợ cũng như xác định nguyên nhân dẫn đến thất thu, nợ khó thu, từ đó có những biện pháp tháo gỡ cụ thể; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đối tượng nợ nhiều, chây ì, trốn thuế; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ nhiều, nợ khó thu trên các phương tiện thông tin đại chúng; định kỳ tổng hợp, phân tích đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện thu hồi nợ đọng thuế báo cáo Ban chỉ đạo và UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo kịp thời…
Thành Hưng