Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân Sa Thầy thoát nghèo

28/10/2024 13:05

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo ở Sa Thầy có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Qua giới thiệu của cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, tôi đến thăm mô hình sản xuất của ông Phan Xuân Lập (56 tuổi), cựu chiến binh ở thôn Bình Đông, xã Sa Bình. Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, ông đã đầu tư phát triển sản xuất và đã thoát khỏi hộ nghèo.

Ông Lập có 3ha đất canh tác; trong đó có 1ha cây cà phê và 1,2ha cây cao su đang cho thu hoạch; 0,8ha đất còn lại ông trồng mì và trồng xen cây cao su. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, năm 2022 gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo. Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông có thu nhập trên 400 triệu đồng (tính cả thu nhập của vợ làm giáo viên) và đã xây dựng được ngôi nhà ở khang trang, cuộc sống ổn định.

Ông Phan Xuân Lập (trái) trao đổi việc sử dụng vốn vay với cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Sa Thầy. Ảnh: QĐ

 

Tương tự, năm 2019, ông A Weo (thôn Lung Leng, xã Sa Bình) vay vốn tín dụng chính sách 100 triệu đồng để chăn nuôi bò. Năm 2022, ông trả xong nợ rồi vay tiếp 100 triệu đồng để nuôi bò, trồng cây sầu riêng và 1 số cây khác trên diện tích 2,4ha. Nhờ đó, năm 2022, gia đình ông đã thoát khỏi hộ nghèo và đang có cuộc sống ổn định.

Bà Dương Thị Hương Mai – Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Sa Thầy cho biết: Trong giai đoạn 2021-2024, đơn vị đã có doanh số cho vay đạt 564 tỷ đồng với 1.920 lượt hộ nghèo, 1.035 lượt hộ cận nghèo, 2.564 lượt hộ khác vay để sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, còn có 1.644 lượt lao động vay vốn tạo việc làm; 92 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; 410 hộ vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; 8 người chấp hành xong án phạt tù vay để tạo việc làm; 13 hộ khó khăn đột xuất vay để khám chữa bệnh…

Vườn sầu riêng của gia đình ông A Weo (thôn Lung Leng, xã Sa Bình). Ảnh: Q.Đ

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách được các hộ gia đình tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ nguồn vốn này, trong 4 năm qua đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trồng hơn 2.000ha cây cà phê, hơn 3.000ha cây cao su, hơn 10ha cây sầu riêng; chăn nuôi hơn 1.000 con bò, hơn 6.000 con heo, 15 lồng nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện.

Cũng theo bà Mai, trong 4 năm qua, nguồn vốn cho vay tăng trưởng mạnh (bình quân tăng trên 11%/năm), đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng dư nợ đạt hơn 597 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so vơi năm 2021; tỷ lệ tăng trưởng đạt 54% với 9.227 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách phân bổ đến 11/11 xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sa Thầy từ 19,94% năm 2021 xuống còn 6,99% cuối năm 2023.

Điểm nhấn đáng chú ý, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Đến nay, tổng nợ xấu toàn huyện gần 1,2 tỷ đồng; trong đó nợ quá hạn 614 triệu đồng, nợ khoanh 576 triệu đồng. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,12%/tổng dư nợ, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, điều đó chứng minh nhiều người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Bà Trần Thị Tâm– Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sa Thầy cho hay: Đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo chung của huyện Sa Thầy là 1.025 hộ/14.666 tổng số hộ, chiếm tỷ lệ 6,99%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, có 660 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo còn lại 408 hộ/14.973 hộ, chiếm tỷ lệ 2,72% (kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,50%). Đối với hộ cận nghèo, đầu năm 2024 có 698 hộ/14.666 hộ, chiếm tỷ lệ 4,76%. Phấn đấu đến cuối năm, có 319 hộ thoát cận nghèo, số hộ cận nghèo còn lại 403 hộ/14.973 hộ, chiếm tỷ lệ 2,69% (kế hoạch giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 2,18%).

Theo bà Tâm, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo nhân dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương trong đầu tư phát triển kinh tế. Huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; vận động hộ khá giúp đỡ hộ nghèo về cách thức sản xuất, cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Ưu tiên nguồn lực để phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống...góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững.  

Quang Định                                                                     

Chuyên mục khác