Thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa

15/11/2024 06:01

Đẩy mạnh bán lẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh được xem là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh, ngành Công thương đã triển khai nhiều chương trình giải pháp kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, tăng doanh thu dịch vụ bán lẻ hàng hóa.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 32.344 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 26.993 tỷ đồng,  tăng 13,68% so với cùng kỳ năm 2023. Đa số nhóm hàng hóa có doanh thu tăng như: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,21%; hàng may mặc tăng 14,96%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,63%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 11,23%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,24%; phương tiện đi lại tăng 18,63%; xăng, dầu các loại tăng 11,27%.

Để có được kết quả này, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngành Công thương chủ động làm việc, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, khuyến mãi tập trung nhằm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng doanh thu.

Ngành Công thương tổ chức nhiều hội chợ, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường. Ảnh: T.H

 

Các doanh nghiệp, hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, nhờ đó, giá cả hàng hóa ổn định, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, góp phần tăng sức mua trong nhân dân.

Siêu thị Co.opmart  Kon Tum là một trong những đơn vị bán lẻ lớn có nhiều chính sách thu hút và giữ chân khách hàng.

 Giám đốc Siêu thị Co.opmart Kon Tum Đỗ Nhất Quân cho biết: Siêu thị đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, có nguồn cung ổn định nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận người tiêu dùng. Đơn vị cũng duy trì và thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mãi, giảm giá áp dụng theo từng ngành hàng khác nhau với nhiều hình thức hấp dẫn như giảm giá, tích điểm, tặng quà, phiếu mua hàng, chính sách ưu đãi dành riêng cho khách hàng thành viên hoặc mua sắm qua kênh online tạo không khí mua sắm sôi động.

Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân, nhất là người dân nông thôn có những chuyển biến tích cực. Người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn hàng hóa mang thương hiệu Việt nhiều hơn, bởi chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý.

Đẩy mạnh bán lẻ, tiêu dùng nội địa góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: TH

 

Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Thời gian qua, ngành Công thương tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thông qua các hoạt động như phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, tổ chức các đợt bán hàng Việt lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa; xây dựng các điểm nhận diện, bán hàng Việt ở nông thôn. Từ đó, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và tạo điều kiện cho người tiêu dùng nông thôn mua sắm được những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, với giá cả hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, ngành Công thương còn thường xuyên tổ chức các hội chợ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Qua đó, tạo cơ hội để các đơn vị có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm đặc trưng, OCOP của các địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng Website, đưa hàng hóa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai bán hàng trên các nền tảng số, góp phần nâng cao hiệu quả bán hàng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Những tháng cuối năm là thời gian cao điểm mua sắm, thị trường bán lẻ hàng hóa thường sôi động. Do đó, để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công thương đã làm việc, mời gọi các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán kết hợp với đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Sở Công thương cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, trưng bày, giới thiệu hàng hóa. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm như buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng...nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Việc triển khai đa dạng, đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa, kích cầu sức mua góp phần quan trọng đưa sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.      

Thiên Hương

Chuyên mục khác