Thị trường hải sản dần sôi động trở lại

03/10/2016 09:00

Sau khi Bộ Y tế công bố thông tin về từng loại hải sản an toàn, người dân đã mạnh dạn hơn khi chọn mua và sử dụng hải sản cho bữa ăn của gia đình. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vừa góp phần làm ổn định thị trường thực phẩm, vừa giúp cho mỗi gia đình có thêm nguồn thực phẩm dồi dào để sử dụng.

Kể từ khi xảy ra vụ việc cá biển miền Trung bị chết hàng loạt do nhiễm độc, sức tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh mấy tháng qua giảm sút rõ rệt, đa số người tiêu dùng đều tỏ ra khá dè dặt khi chọn mua các loại cá, tôm biển.

Lâu nay, hầu hết các mặt hàng hải sản bày bán tại thị trường Kon Tum đều được thương lái đưa từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lên tiêu thụ, bảo đảm chất lượng tươi ngon.

Từ khi sự cố môi trường xảy ra khiến vùng biển các tỉnh bắc miền Trung bị ô nhiễm, phần lớn các bà nội trợ đều không mặn mà bởi họ lo sợ các tiểu thương vì hám lợi mà nhập nguồn cá, tôm từ vùng này với giá rẻ về bán. Nhưng khi thông tin về từng loại hải sản an toàn được Bộ Y tế công bố rõ ràng thì người dân đã mạnh dạn hơn khi chọn mua và sử dụng hải sản cho bữa ăn của gia đình.

Nhiều người dân đã tin tưởng sử dụng hải sản. Ảnh: T.H

 

Chị Sen (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi không biết chính xác nguồn gốc hải sản ngoài chợ có phải từ các tỉnh bắc miền Trung đưa vào hay không, thế nên thời gian qua, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của cả nhà tôi tuyệt đối không mua hải sản. Nhưng nói thật, cá biển là nguồn thực phẩm quan trọng đối với gia đình tôi nên mấy tháng nay không dám ăn cũng thấy rất thèm, bứt rứt; giờ thì mình biết rõ loại nào ăn được, loại nào chưa ăn được nên yên tâm mua về dùng.

Không riêng gì người dân, ngay cả một số tiểu thương làm nghề bán cá ở chợ mấy hôm trước cùng còn e dè không dám ăn cá và cũng chẳng mạnh dạn để lôi kéo khách hàng, giờ thì đã tự tin hơn rất nhiều.

Chị Hà (một người bán cá tại chợ Võ Lâm, thành phố Kon Tum) bộc bạch: Mình là người bán lẻ, lấy lại cá của những chủ vựa bán sỉ nên cũng không thể chắc chắn được rằng tất cả các loại cá, tôm họ bán cho mình đều lấy từ Bình Định, Phú Yên lên như trước đây hay không, chỉ sợ họ ham rẻ lấy cá từ ngoài bắc miền Trung mang vào bán lại. Thế nên, để khỏi phải vừa ăn vừa lo, nhà tôi kiêng cá biển suốt mấy tháng nay mà chỉ ăn các loại cá nước ngọt. Hôm trước xem tivi thấy thông tin nhiều loại cá ở biển bắc miền Trung đã ăn được, tôi mừng rơn vì mình ăn được thì mới dám mạnh dạn tiếp thị, mời chào khách hàng. 

Tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, các tiểu thương cho biết, lượng hải sản tiêu thụ đang tăng mạnh, đặc biệt, những loại cá ngừ, cá thu, cá bạc má, cá cơm... được tiêu thụ nhiều nhất.

Giá cả các mặt hàng này cũng tăng lên đáng kể. Đơn cử như hồi đầu tháng 5, giá cá thu chỉ ở mức 170.000-180.000 đồng/kg, cá nục 50.000-55.000 đồng/kg, cá ngừ chỉ 40.000-50.000 đồng/kg…; thì hiện tai, giá cá thu đã tăng lên mức 220.000-240.000 đồng/kg, cá nục 65.000-70.000 đồng/kg, cá cơm 55.000-60.000 đồng/kg...

Tuy nhiên, sức mua chỉ tăng cao đối với các loại hải sản mà Bộ Y tế khuyến cáo đủ an toàn, còn các mặt hàng khác như cua, ghẹ, mực... thì người dân vẫn tỏ ra khá dè dặt.

Mặc dù các tiểu thương đều cam kết với khách hàng là tất cả hải sản đều được lấy từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lên; các loại cua, ghẹ, sò... đều được đánh bắt từ những vùng biển xa bờ, đảm bảo an toàn để người dân yên tâm sử dụng, nhưng xem ra người tiêu dùng vẫn tỏ ra rất thận trọng khi mua những mặt hàng này.

Theo lý giải của nhiều khách hàng thì người dân không thể biết được những loại hải sản sống ở tầng đáy có được khai thác ở vùng biển an toàn hay không nên cẩn thận vẫn hơn.

Có thể nói, dù thị trường hải sản chưa thực sự trở lại mức tiêu thụ bình thường như trước đây, nhưng việc người dân bắt đầu tin tưởng và chọn mua nguồn hải sản an toàn này cho gia đình là một tín hiệu đáng mừng. Điều này vừa góp phần làm ổn định thị trường thực phẩm, vừa giúp cho mỗi gia đình có thêm nguồn thực phẩm dồi dào để sử dụng.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác